Hành trình từ thị xã Sơn Tây lên làng Cổ Đô (Ba Vì) là con đường chạy song song với sông Hồng. Cổ Đô, làng cổ ven sông như tách biệt ra khỏi phố thị, để nhoài mình ra phía sông giàu phù sa và nắng gió lồng lộng.
Đến nay, Cổ Đô vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của một làng ven sông với cây đa, bến nước, sân đình… luôn níu giữ chân những ai một lần qua đây.
Không chỉ giữ vẻ đẹp của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, Cổ Đô xưa nổi tiếng là làng lụa, vùng đất của những danh nhân nổi tiếng và giờ đây nổi danh là làng họa sỹ.
Làng lụa-làng tiến sỹ
Trong lịch sử, Cổ Đô có nhiều tên khác nhau. Trước đây, làng tên là Cổ Cẩm thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây; sau đó đổi là Yên Đô (An Đô), rồi đến Cổ Sắt...
Thuở mới khai sinh, dân làng bám theo phía trong đê để sinh sống. Sau con sông Hồng đổi dòng, nhiều gia đình cư ngụ cả ngoài bãi bồi lâu dần thành xóm đồng, xóm bãi như hiện nay.
Làng Cổ Đô xưa có nghề dệt lụa nổi tiếng. Tương truyền, công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng đã từ Phong Châu sang đây dạy cho dân làng nghề tơ lụa. Tơ lụa Cổ Đô trở thành sản vật tiến vua trong suốt các triều đại phong kiến của Việt Nam, đã đi vào dân gian và truyền tụng với các câu ca dao:
"Lụa này thật lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống các cô ưa dùng"
Ngoài nổi tiếng là một làng nghề lụa truyền thống, làng Cổ Đô còn nổi tiếng là làng khoa bảng:
"Đồn rằng Hà Nội vui thay
Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô
Cổ Đô trên miếu dưới chùa
Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài
Sinh ra hoa cống hoa khôi
Trong hai khoa ấy thì tài cả hai."
Hay như những câu thơ:
"Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa"
Cổ Đô cũng là quê hương của Nguyễn Sư Mạnh, người được nhà Minh phong là Lưỡng quốc Thượng thư trong lần đi sứ dưới triều Lê Thánh Tông. Đây cũng là quê của Nguyễn Bá Lân, tác giả bài phú Ngã Ba Hạc phú nổi tiếng trong văn học nước nhà, là một trong An Nam tứ đại tài (gồm Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân).
[Sắc màu Quê hương Xứ Đoài mây trắng qua nét cọ của họa sỹ Cổ Đô]
Với 50 năm làm quan, Nguyễn Bá Lân đã 17 lần được thăng chức và được vinh danh là "Thượng thư lục bộ" từ Thượng thư Bộ lễ, rồi Bộ bộ, Bộ công. Từ nghìn đời nay, đến với ngã ba Hạc Phú là đến với vùng mây nước tươi đẹp, nơi gặp gỡ của ba con sông, ba màu nước… Cụ Nguyễn Bá Lân đã có những vần thơ bất hủ:
“Xinh thay! Ngã ba Hạc
Lạ thay! Ngã ba Hạc...
Ngóc ngách khôn dò rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào
Lênh láng dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc.”
Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học. Đất Cổ Đô là đất học. Thời kỳ phong kiến, Cổ Đô rạng rỡ với những ông nghè, ông cống. Ở thời kỳ Pháp thuộc, làng quê này lại tự hào với những cử nhân, tú tài Tây học và giờ đây có hơn 300 cử nhân, tiến sỹ của làng càng làm người Cổ Đô tự hào. Dù còn nhiều khó khăn, người dân Cổ Đô vẫn cố gắng góp công, góp của xây dựng trường sở, động viên con em học hành.
Làng họa sỹ
Không chỉ nổi danh là làng lụa, làng tiến sỹ, Cổ Đô còn được trời phú cho một nét đẹp văn hóa nữa, đó là nét đẹp của sắc màu hội họa mà những người yêu mến thường gọi là “Làng họa sỹ.”
Đây cũng là điểm nhấn thú vị để du lịch cộng đồng làng Cổ Đô ngày càng được du khách trong và ngoài nước tìm đến khám phá.
Gọi Cổ Đô là “Làng họa sỹ” vì cả làng có khoảng 1.000 nóc nhà, với gần 5.000 hộ dân nhưng gần như nhà nào cũng có người cầm cọ vẽ tranh. Trong số đó, có 20 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đều là những họa sỹ chuyên nghiệp, được đào tạo qua trường lớp.
Còn những họa sỹ “không chuyên” tức là những người nông dân yêu thích mỹ thuật và cầm cọ vẽ tranh thì đông đảo hơn nhiều. Chẳng vậy mà ở Cổ Đô là làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam có tới hai bảo tàng hội họa cùng nhiều phòng tranh gia đình.
Từ thời thực dân Pháp xâm lược, làng đã có người theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng đặc biệt là sau kháng chiến chống Pháp, một lớp đông đảo đã theo học các trường Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Yết Kiêu và có những cống hiến, trở thành các họa sỹ tên tuổi như Sĩ Tốt, Sĩ Thiết, Trần Hòa, Quang Trung, Giang Khích...
Các thế hệ họa sỹ của làng đã đóng góp cho nền hội họa Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị và có một số hiện được lưu giữ ở các bảo tàng lớn trong và ngoài nước.
Người đi tiên phong để làm nên làng họa ven sông là Danh họa Sĩ Tốt - một người con của làng. Ông được coi là người "khởi nghiệp" hội họa của làng Cổ Đô.
Với gần 1.000 bức tranh được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sỹ của mình, tên tuổi và vị trí của Sĩ Tốt được ghi nhận trong Lịch sử Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam. Ông đã dìu dắt lớp lớp họa sỹ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới họa sỹ.
Gia tài tranh vẽ đồ sộ của Nguyễn Sĩ Tốt đã được con cháu lưu lại tại nhà Bảo tàng Mỹ thuật “Sĩ Tốt và gia đình” và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) cùng con cháu gây dựng, ngày nay trở thành điểm tham quan của du khách gần xa.
Trong cuộc sống còn bộn bề lo toan cơm áo, tinh thần cộng đồng hướng đến cái đẹp, đã cho người Cổ Đô biết trân qúy, nâng niu giá trị từ chính quê hương mình.
Không phải ai ở Cổ Đô cũng được học qua các trường, lớp mỹ thuật, nhưng bằng năng khiếu bẩm sinh, bằng niềm đam mê hội họa đã ngấm vào máu của người dân nơi đây, nên hầu như ai cũng biết vẽ.
Câu chuyện chung nhất của người làng Cổ Đô là chuyện vẽ tranh, qua thăm nhau cũng là để ngắm, bình bức họa mới vẽ. Những người họa sỹ làng quý nhau cái chân tình, cởi mở với những sáng tác của mình. Cha dạy con, em học anh chị.
Biết bao thế hệ “họa sỹ chân đất” đã lớn lên, trưởng thành, có tên tuổi, lâp nghiệp nơi xa, không ít người trở về sống ở làng trong một lẽ bình dị, đó là được sống, được tắm gội trong mưa gió ở chính nơi mình sinh thành.
Sau những giờ làm việc ruộng đồng, trong cái tĩnh lặng của vùng đất bãi, những người nông dân lại dành thời gian bên giá vẽ. Họ được thảnh thơi cao hứng với cảm xúc của mình.
Rất dễ bắt gặp cảnh cả gia đình cùng ngồi vẽ ở làng. Tình yêu sắc màu như lan tỏa đến mọi người. Chiều chiều, từng nhóm người già, người trẻ rủ nhau ra triền đê, bến bãi cùng vẽ tranh. Vẽ như nhịp sống, như hơi thở của họ.
Các họa sỹ làng Cổ Đô phần lớn đều rất thành công với tác phẩm về mảng đề tài vẽ những người lao động bình dị, làng chài, phong cảnh sơn thủy hữu tình của mảnh đất giàu huyền thoại gắn chặt với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, sông Đà, núi Tản.
Sự ra đời của Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình đã trở thành điểm sinh hoạt, nơi ươm mầm tài năng cho các thế hệ họa sỹ nhí của làng. Những họa sỹ có tâm huyết đang dồn công sức dạy dỗ thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống nghệ thuật của làng.
Những lớp học vẽ trên triền đê, trên bãi sông trong các buổi chiều hè, ở một xưởng tranh... là hình ảnh khá quen thuộc ở Cổ Đô.
Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô được coi là bảo tàng mỹ thuật làng đầu tiên của Việt Nam.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô Hoàng Tuấn Việt cho biết Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họạ. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi đi trực họa và tham gia nhiều triển lãm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Năm 2017, làng Cổ Đô đã được Sở Du lịch Hà Nội đưa vào danh sách điểm đến du lịch của Thủ đô, nhằm gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất cổ.
Trong những năm qua, lượng khách đến với Cổ Đô ngày một nhiều hơn, với hàng trăm đoàn khách du lịch cả trong và ngoài nước do các doanh nghiệp lữ hành đưa đến. Lượng khách vãng lai chủ yếu là sinh viên mỹ thuật, người yêu hội họa và các nhà sưu tầm tranh./.