Tốc độ đỉnh dịch vụ 4G ở Việt Nam thực sự là bao nhiêu?

Có công nghệ tốt, nhưng 4G ở Việt Nam ‘chưa thực sự là 4G’

Cho dù ba nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ 4G với độ phủ sóng rộng tới 95% dân số, nhưng tốc độ 4G vẫn.. chưa thực sự là 4G.
Có công nghệ tốt, nhưng 4G ở Việt Nam ‘chưa thực sự là 4G’ ảnh 1Ông Đoàn Quang Hoan phát biểu tại một hội thảo về 4G LTE. (Nguồn: IDG Việt Nam)

Cho dù ba nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ 4G với độ phủ sóng rộng tới 95% dân số, nhưng tốc độ 4G vẫn... chưa thực sự là 4G.

Sẵn công nghệ

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, tốc độ đỉnh của 4G theo yêu cầu là 1Gbps. Thế nhưng, để đạt được tốc độ này cần độ rộng của băng tần.

Hiện tại, các nhà mạng của Việt Nam được cấp băng tần 1.800 MHz để sử dụng và doanh nghiệp có nhiều nhất là 20 Mhz. Nhà mạng lại không thể dùng hết băng tần này để làm 4G do phải dùng cho thuê bao GSM (2G).

Như vậy, theo ông Hoan, mỗi doanh nghiệp thường chỉ dùng 10 Mhz cho 4G khiến tốc độ đỉnh chỉ đạt khoảng hơn 40Mbps. Rõ ràng, con số này đem so với tốc độ đỉnh là 1Gbps là nhỏ hơn rất nhiều.

Trong khi đó, tại Hội thảo quốc tế 4G/5G 2018, đại diện Ban tổ chức cho hay, năm 2017 tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam là 35-37 Mbit/giây, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại.

"Hiện, các nhà mạng dùng công nghệ LTE để làm 4G và đây là công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, muốn có tốc độ 4G theo yêu cầu, ngoài công nghệ phải có độ rộng băng tần đủ lớn," ông Hoan nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện, độ rộng băng tần và công nghệ sử dụng hết sẽ cho ra tốc độ đỉnh, còn tốc độ trải nghiệm tới người tiêu dùng phụ thuộc vào số người dùng trên 1 trạm BTS bởi số người dùng đông sẽ khiến tốc độ 4G giảm.

Trong trường hợp không có đủ băng tần, muốn có tốc độ cao, nhà mạng buộc phải "cấy" thêm các trạm BTS. Thế nhưng, việc lắp đặt các trạm thu phát sóng hiện nay là rất khó khăn do tâm lý của người dân. Cùng lúc, chi phí cho việc lắp thêm trạm là rất lớn so với việc đầu tư vào tần số.

Có công nghệ tốt, nhưng 4G ở Việt Nam ‘chưa thực sự là 4G’ ảnh 2Viettel là nhà mạng có vùng phủ sóng 4G rộng nhất Việt Nam tới thời điểm hiện tại. (Ảnh: VTT)

Chờ… hướng dẫn

Thực tế, vào hồi giữa năm 2017, Cục Tần số Vô tuyến điện đã công bố hồ sơ đấu giá băng tần 2,6 GHz và các doanh nghiệp có ba tháng sau đó để hoàn thiện hồ sơ. Thế nhưng cho đến bây giờ, việc đấu giá vẫn chưa được thực hiện.

Lý giải việc chậm trễ cấp tần số 2,6 GHz cho nhà mạng, ông Hoan cho thấy mình "rất sốt ruột" và cho hay việc đấu giá này vào đúng thời điểm Luật đấu giá tài sản công ra đời. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang loay hoay việc áp dụng luật như thế nào để đấu giá tần số bởi đây là loại tài sản đặc biệt, có cách đấu thầu đặc biệt trong khi Luật đấu giá tài sản công không quy định đối với loại tài sản này.

Theo ông Hoan, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương, hướng dẫn để tiến hành đấu giá băng tần này và Văn phòng Chính phủ đang trao đổi với các bộ ngành liên quan tìm lỗi ra.

Theo một chuyên gia viễn thông, việc sớm cấp tần số 2,6 GHz sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí đầu tư vào 4G, giúp họ có thể đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái cũng như dịch vụ cho mạng di động thế hệ mới này. Cùng lúc, người dùng sẽ được trải nghiệm tốc độ cao hơn so với hiện tại.

Trước đó, Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai thủ tục để doanh nghiệp được khai thác băng tần 2.600MHz cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng.

Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, cho hay, để nâng cao chất lượng 4G cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố: Chính sách, nỗ lực của doanh nghiệp và sự tham gia của người sử dụng.

“Về mặt phổ tần, ngoài các băng tần hiện đang sử dụng cho 4G LTE, bổ sung băng tần 2.6GHz là một giải pháp để tăng tài nguyên tần số, nâng cao chất lượng dịch vụ,” ông Jim Cathey nói.

Trong khi đó, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cũng cho biết, trong giai đoạn đầu của 4G, các nhà mạng tập trung vào việc triển khai trên diện rộng, mở rộng độ phủ. Hiện giờ là giai đoạn các tối ưu mạng lưới hạ tầng đã triển khai và phía Qualcomm sẽ làm việc với các nhà mạng trong việc tối ưu hóa mạng lưới, chia sẻ công nghệ, tư vấn tính năng mói của LTE để cải thiện tốc độ, chất lượng và dịch vụ 4G./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục