Cơ chế một cửa ASEAN: Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

Hội nghị về Cơ chế một cửa ASEAN được tổ chức ngày 5/8 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biến giới và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.
Cơ chế một cửa ASEAN: Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theaseanpost.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 5/8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tổ chức hội nghị chuyên đề lần thứ 5 về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), nhằm lập kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.

Được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của Dự án tăng trưởng bao trùm tại ASEAN thông qua đổi mới, thương mại và thương mại điện tử, Hội nghị quy tụ 300 quan chức chính phủ, lãnh đạo khu vực tư nhân và đại diện cộng đồng thương mại từ các quốc gia thành viên ASEAN.

Với chủ đề “Đánh dấu thành tựu và theo đuổi tiến bộ cho tương lai,” hội nghị đã nêu bật những thành tựu của ASW và trình bày cập nhật về các hành động ưu tiên trong năm 2021 và các kế hoạch cho năm 2022.

Trong khuôn khổ ASW, tính đến nay tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đều đã sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA (ATIGA e-Form D) để được hưởng ưu đãi thuế quan đối với các loại hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ nội khối.

Điều này cho phép các nhà nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan nhanh chóng mà không cần chờ nhận bản sao giấy chứng nhận xuất xứ từ cơ quan có thẩm quyền và không phải gửi bản cứng cho hải quan nước nhập khẩu.

[Thái Lan coi ASEAN và Canada là “những đối tác cùng chí hướng”]

Một cột mốc quan trọng khác là 5 quốc gia thành viên ASEAN đã trao đổi Tờ khai Hải quan ASEAN thông qua ASW, giúp cơ quan hải quan các nước nhập khẩu hoàn tất các thủ tục quản lý rủi ro.

Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh rằng Hội nghị lần này là cơ hội để giới thiệu những thành tựu của ASW và khám phá các lựa chọn nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như mở rộng các dịch vụ của ASW.

Theo ông Satvinder, ASW là nền tảng điện tử khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách cho phép trao đổi điện tử các tài liệu liên quan đến thương mại biên giới giữa các quốc gia thành viên, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm bớt các thủ tục giấy tờ cũng như thúc đẩy hiệu quả thương mại khu vực, tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bao trùm.

Về phần mình, Đại biện lâm thời Phái bộ Mỹ tại ASEAN Melissa A. Brown cho biết nền tảng tạo thuận lợi thương mại mang tính đột phá do USAID phối hợp với ASEAN phát triển tiếp tục tăng cường minh bạch thương mại và giảm chi phí thương mại xuyên biên giới, mở rộng lợi ích đến các quốc gia trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai.

Các cuộc thảo luận tại Hội nghị tập trung vào việc mở rộng các cách thức cải cách ASW nhằm thúc đẩy việc trao đổi các tài liệu thương mại và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời khám phá các lựa chọn nhằm kết nối ASW với các cơ chế một cửa nước ngoài - bước quan trọng giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan và giảm chi phí giao dịch cho các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các thị trường tiềm năng ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục