Ngày 23/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia điện lực phối với Tạp chí Năng lượng Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ nhất, thu hút đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong này tham gia và đóng góp ý kiến.
Diễn đàn là cơ hội để các công ty, nhà đầu tư trong nước và quốc tế hoạt động lĩnh vực năng lượng sạch chia sẻ, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, rào cản trong phát triển dự án nguồn điện sạch như điện khí, điện Mặt Trời, điện sinh khối… tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu kỳ vọng vào sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết kể từ khi điều chỉnh Quy hoạch điện 7, quy mô dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên rất cao, khoảng 27.200MW vào năm 2030, chiếm 21% tổng công suất nguồn.
Tính đến tháng Tám vừa qua, cả nước có gần 23.000MW điện Mặt Trời và điện gió. Tuy nhiên, các cơ chế khuyến khích thông qua bù giá (FIT - Feed in tariff) đối với các dự án điện Mặt Trời sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay và tháng 11/2021 đối với dự án điện gió, trong khi chưa cơ chế hỗ trợ tiếp theo.
[Giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững]
Đồng tình với “nỗi lo” này, ông Phan Quang Vinh, Phó Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cơ chế giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam sắp hết hiệu lực mà hiện chưa có thông tin về chính sách phát triển điện Mặt Trời tiếp theo khiến các nhà đầu tư có tâm lý ngần ngại.
Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn trong phát triển các dự án điện Mặt Trời mái nhà, ước tính vào khoảng 6.300MWp. Năm 2020 được xem là năm đột phá vì tính đến ngày 15/12, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 12.473 hệ thống điện Mặt Trời mái nhà, tổng công suất phát là 245MWp.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần sớm có biểu giá FIT mới. Ông Lê Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Mainstream Phú Cường kiêm Giám đốc phát triển dự án Phú Cường Group cho rằng, với cơ chế FIT hiện nay, tốc độ tăng trưởng của các dự án điện gió không thể nhanh bằng dự án điện Mặt Trời và cần thời gian phát triển lâu hơn.
Việc FIT cho điện gió kết thúc vào cuối năm 2021 là quá sớm khi mà cơ chế này mới được áp dụng vào năm 2018. Cùng đó, cả năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các dự án lắp đặt trong năm nay.
Ban tổ chức cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn để gửi tới cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện tháo gỡ, tìm các giải pháp thúc đẩy nguồn năng lượng sạch Việt Nam thời gian tới; góp phần đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống./.