Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2021-2023, ngành sẽ phấn đấu thu ngân sách khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào ngân sách bình quân khoảng 15,5% GDP.
Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại thu, tăng tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 khoảng từ 85-86% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Dự kiến tổng chi khoảng 5,4 triệu tỷ đồng và bội chi ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch ngân sách Nhà nước trung hạn 3 năm 2021-2023 trong việc bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo,...
Riêng đối với năm 2021, dự toán thu là 1.343.330 tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,5% GDP. Trong số đó, cơ cấu thu tiếp tục xu hướng chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối xuất nhập khẩu chiếm 13,3%.
Trong bối cảnh dự kiến thu ngân sách Nhà nước còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của đại dịch COVID-19, dự toán chi là 1.687.000 tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020.
[Thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 98% so với dự toán]
Theo Bộ Tài chính, mức dự toán trên đã bảo đảm ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển ở mức hợp lý, cao hơn mức bố trí dự toán năm 2020 cả về tỷ trọng và số tuyệt đối, trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn hơn.
Dự toán bố trí cho các bộ, địa phương triệt để tiết kiệm, quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công và chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2021, ngành tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế.
Về chi ngân sách Nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện; thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh-quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội liên vùng. Việc xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện của từng nguồn vốn, từng dự án cùng từng bộ, địa phương./.