Cơ cấu lại nông nghiệp: Gắn với chế biến và thị trường

Trong khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ khi đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đến thăm nhà máy chế biến yến sào đặc sản của tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Trong khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ khi đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thị trường xuất khẩu.

Có được kết quả đó là bởi ngành nông nghiệp đang cấu lại một cách thực chất, hiệu quả hơn từ việc cơ cấu lại sản xuất theo thế mạnh của vùng, miền và nhu cầu thị trường, gắn với chế biến.

Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã hình thành trên cả nước với quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương - OCOP.

Điển hình như lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; chè ở Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng; càphê, cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ; hồ tiêu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ…; điều ở Đông Nam Bộ; rau quả, cá tra, tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Miền Trung; rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ tại miền Trung, Tây Nguyên…

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ, là nền tảng phát triển kinh tế khi Nghệ An có đến 83% dân số sống vào ngành này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tỉnh xác định cần tập trung giải quyết tốt khâu thị trường. Để giải quyết được vấn đề này chỉ bằng cách liên doanh liên kết với doanh nghiệp, tìm kiếm đầu ra không chỉ với xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước.

Do vậy, tỉnh cơ cấu cấy trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế địa phương, sát với thị trường và xây dựng nông nghiệp sạch gắn với thương hiệu. Sở hữu 65.000 con bò sữa, chiếm 20% đàn bò sữa cả nước, Nghệ An xác định phải kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để hai ngành này hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Cùng với đó, xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi, người dân thì cần tiêu thụ được sản phẩm, địa phương đã tập hợp và tổ chức ký kết hợp đồng giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, thu mua ngô sinh khối, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

[Mở rộng diện tích và đối tượng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao]

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…. Nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

Ở nhóm sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

Các chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực quy mô vùng đã được xây dựng như chuỗi liên kết cá tra 3 cấp chất lượng cao, chuỗi liên kết lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản...

Đặc biệt, ngành tập trung khắc phục và đẩy mạnh các giải pháp về phát triển công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Công nghiệp chế biến, bảo quản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực. Tăng nhanh số lượng cơ sở chế biến quy mô công nghiệp; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu.

Cho đến nay, cả nước đã có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015. Trong số trên có 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Cùng với đó có 86,2% số xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản, 73,7% số xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản, 7,4% số xã có cơ sở chuyên chế biến thủy sản.

Nhờ đó, tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu tăng, tỷ trọng hàng chế biến có giá trị gia tăng cao tăng mạnh. Chẳng hạn chế biến càphê hòa tan tăng gấp 2,5 lần; trên 80% tổng lượng gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao; thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao đạt 50% tổng sản lượng... Theo đó, giá trị tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm qua chế biến đạt 15,3%.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản phẩm nông, lâm, thủy sản qua chế biến hiện tại cũng đa dạng hơn khổng chỉ chủ yếu là rau quả như trước đây mà gồm cả cây công nghiệp, lương thực thực phẩm, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Nhờ đó, tốc độ tăng thu nhập từ chế biến năm 2019 đạt 9,19%, cao hơn mức tăng 8,8% của năm 2015.

Tuy đạt những kết quả tích cực, nhưng trước những thách thức từ mở cửa hội nhập, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các thị trường xuất khẩu gặp nhiều nhiều khó khăn, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn cho rằng đây cũng là khoảng thời gian để các các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản và nhất là doanh nghiệp nhìn nhận lại chính mình. Từ đó có những thay đổi hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh.

Những khó khăn trong giai đoạn này là động cơ để ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, ngành hàng một cách toàn diện hơn theo hướng đẩy mạnh chế biến, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị. Đồng thời, doanh nghiệp có thời gian tổ chức lại sản xuất đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thức phẩm, truy suất nguồn gốc… của các thị trường lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các ngành hàng cần tiếp tục chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh nông sản. Khó khăn cũng là cơ hội để các ngành chế biến, xuất khẩu rau quả, các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hoàn thiện dây chuyền công nghệ, nắm bắt thời cơ thúc đẩy xuất khẩu.

Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu.

Từ đó, triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết, gắn sản xuất gắn với chế biến; đầu tư hệ thống hạ tầng, logistics để có thể xây dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững. Ở đó, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp đầu tàu có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục