Ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản số 2072/QĐ-TTg điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư gồm: Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo đó, toàn bộ số vốn ODA tại các dự án đang thực hiện theo hình thức cho vay lại được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp dự án. Số vốn đối ứng cho các dự án có sử dụng vốn ODA được cân đối, bố trí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Riêng, số vốn hơn 6.800 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước và trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành đối với các dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình sẽ được chuyển thành vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp cho dự án.
Đối với dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, trong trường hợp nguồn thu phí và các khoản thu khác của 2 dự án không đủ trả nợ vốn vay đến hạn, Bộ Giao thông Vận tải phải làm rõ nguyên nhân, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần vốn thiếu hụt do các nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, ngoài phần vốn được Nhà nước đầu tư trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu VEC phải chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án theo đúng các quy định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý chặt chẽ các nguồn thu theo đúng quy định để đảm bảo hoàn trả đầy đủ khoản vốn do VEC đã huy động kể cả vốn vay lại từ Chính phủ.
“Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VEC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đảm bảo các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư được thực hiện theo đúng quy định pháp luật có liên quan nhằm đưa dự án vào sử dụng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư,” Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo VEC xây dựng phương án tài chính hoàn vốn cho từng dự án, chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo và tính khả thi các dự án sau khi điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn.
Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương án tái cơ cấu đầu tư khả thi cho từng dự án cụ thể, phê duyệt lại quyết định đầu tư 5 dự án trên theo cơ cấu nguồn vốn đã được điều chỉnh sau khi có ý kiến thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Song song với đó, Bộ Giao thông Vậ tải phải quản lý vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp tại 5 dự án trên theo quyết định hiện hành, giám sát việc thu phí và sử dụng nguồn thu của VEC.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các dự án và cân đối hoàn trả 2.500 tỷ đồng vốn đối ứng đã được chuyển thành vốn đầu tư trực tiếp.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục chuyển đổi cơ chế tài chính đối với vốn ODA tại 5 dự án đường cao tốc từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án./.