Cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU

Tối 4/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thươngi Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU, Tiến sĩ Franz Jessen đã tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU.
Cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ảnh 1Việt Nam-EU đã cơ bản kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tối nay (4/8), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ ​Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Tiến sĩ Franz Jessen đã tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Trong buổi họp báo do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) vừa diễn ra, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, ​FTA Việt Nam-EU là hiệp định mang tính toàn diện nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam và EU mang tính bổ trợ mạnh mẽ và rất ít lĩnh vực cạnh tranh trực tiếp với nhau, do đó việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mở ra cơ hội cho cả hai nền kinh tế.

Thêm vào đó, EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu, một thị trường lớn với khoảng 500 triệu dân và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam như miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ngoài ra, EVFTA cũng làm tăng sức hút đối với nguồn vốn từ EU vào Việt Nam.

Để chủ động trong hội nhập, Bộ trưởng cho biết, sau khi Hiệp định được ký kết sẽ có một loạt công việc được triển khai, từ tuyên truyền giới thiệu các nội dung của Hiệp định tự do đã được ký kết cũng như ​thông tin sâu hơn giúp doanh nghiệp nhận ra những khó khăn, thách thức của Hiệp định.

Lãnh đạo ​Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ có nhiều chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành của Việt Nam với Liên minh châu Âu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng thông tin và các điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để tìm ra các chương trình hợp tác, dự án mà hai bên cùng có lợi.

Trước nhưng thách thức ​về hội nhập, ​Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp ​phải tìm hiểu kỹ những ​quy định của Hiệp định, qua đó có chiến lược kinh doanh phù hợp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể ​đẩy mạnh xuất khẩu.

"Đây là hiệp định mang tính toàn diện bao hàm từ mua sắm công, đầu tư... về cơ bản hiệp định thương mại giữa Việt Nam-EU sẽ bổ sung hỗ trợ nhau và không có cạnh tranh trực tiếp," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ảnh 2Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngành Công Thương cho ông Franz Jessen (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước những lo ngại về khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi ký kết FTA, phần lớn các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, kể cả gạo sẽ được Liên minh châu Âu dành ưu đãi về thuế suất, tuy nhiên để tận dụng được ưu đãi này các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như quy tắc xuất xứ của hàng hóa...

Hiện các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như điện máy, dệt may, da giầy, càphê, thủy sản. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là những sản phẩm công nghệ cao như các thiết bị máy móc cơ khí, máy bay, dược phẩm.

"Khi ký kết, hiệp định FTA này sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, qua đó nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam, các nhà đầu tư cũng thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU bắt đầu đàm phán từ tháng 6/2012. Theo bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của EU, trên cơ sở Hiệp định ngày hôm nay, các nhóm đàm phán sẽ tiếp tục tiến trình và giải quyết những vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời hoàn thiện văn kiện Hiệp định. Khi đã được hoàn thiện thì Hiệp định sẽ cần phải được Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua./.

EU gồm 27 quốc gia thành viên hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.030 dự án ​và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36 tỷ USD./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục