Ngày 5/11, Ngân hàng HSBC công bố Báo cáo HSBC Navigator, với kết quả có 97% công ty tại Việt Nam tham gia khảo sát kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trưởng.
Con số này cao hơn trung bình toàn cầu và tại châu Á-Thái Bình Dương lần lượt là 79% và 77%. Cụ thể, có 39% công ty tại Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng cao với mức kỳ vọng tăng trưởng ít nhất là 15% trong năm tới.
Còn về quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam, thậm chí còn tươi sáng hơn khi có 100% công ty tham gia khảo sát kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường trọng điểm đối với công ty Việt Nam.
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng về thương mại quốc tế nên doanh nghiệp có lý do để lạc quan. Đơn cử, nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng trong năm 2019 được duy trì khi quý 3 vừa được công bố ở mức 7,31%.
Hiện tại, thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới.
Liên quan đến đầu tư vào đổi mới và phát triển bền vững, cuộc khảo sát cũng cho thấy, các công ty tại Việt Nam lạc quan khi nói tới những tác động của thương mại quốc tế.
[Doanh nghiệp cam kết 100 ngày nói không với tai nạn lao động]
Khoảng 98% công ty tại Việt Nam khảo sát tin rằng thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong năm tới. Trong khi đó, có 96% công ty cho hay thương mại quốc tế sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh mới.
Đặc biệt, có 32% công ty tại Việt Nam khảo sát đang nghiên cứu việc áp dụng những công nghệ số để tăng cường chuỗi cung ứng, gia tăng tốc độ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường và tiến tới gần hơn với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tiếp tục là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào kỹ năng mới cho đội ngũ lao động.
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững đối với sự tồn tại lâu dài của công ty, cũng như để thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này thể hiện qua việc có nhiều công ty ở Việt Nam (28%) kỳ vọng tăng trưởng doanh số bán của họ được dẫn dắt thông qua chiến lược phát triển bền vững, con số này cao hơn những thị trường khác.
Hợp tác toàn cầu đem lại những cơ hội mới, nhất là trong vòng ba năm gần đây, doanh nghiệp ở Việt Nam đã ngày càng nhận thức hơn về chính sách bảo hộ trên thế giới. Cụ thể, hơn 87% công ty tại Việt Nam khảo sát nghĩ rằng những chính phủ đang bảo hộ nhiều hơn đối với doanh nghiệp trong nước.
Để đối phó với rủi ro địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ, doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội liên doanh và tiến hành kinh doanh qua mạng.
HSBC Navigator là khảo sát toàn cầu xem xét lòng tin và kỳ vọng của 9.131 doanh nghiệp về hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh doanh tại 35 thị trường trên toàn cầu.
Báo cáo HSBC Navigator giúp doanh nghiệp tiếp cận những cơ hội mới và đưa ra quyết định trên cơ sở có đầy đủ thông tin cho hoạt động kinh doanh trong tương lai thông qua việc hiểu về triển vọng thương mại quốc tế./.