Có 31.000 phương tiện bị ‘cấm cửa’ đi vào các tuyến đường cao tốc

Qua công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường cao tốc của VEC đầu tư, quản lý, chín tháng vừa qua, đã có 31.000 phương tiện phải quay đầu và không thể đi vào đường cao tốc.
Có 31.000 phương tiện bị ‘cấm cửa’ đi vào các tuyến đường cao tốc ảnh 1Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Qua công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý, chín tháng vừa qua, đã có 31.000 phương tiện phải quay đầu và không thể đi vào đường cao tốc.

Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho biết, chín tháng qua, số phương tiện được kiểm soát tải trọng và số phương tiện bị từ chối phục vụ đều giảm 12% so cùng kỳ 2017, tương ứng với 1,8 triệu lượt phương tiện qua cân và 31.000 phương tiện phải quay đầu.

[Bộ Giao thông đề nghị giải ngân vốn ODA cho 4 dự án đường cao tốc]

Với chiều dài tuyến cao tốc lớn nhất cả nước, số phương tiện được kiểm soát tải trọng trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai chiếm 77% tổng lượng phương tiện VEC kiểm tra.

Bên cạnh đó, VEC còn từ chối phục vụ 136 lượt phương tiện vi phạm các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc như dừng đỗ; vượt trạm, chống đối nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc; đi ngược chiều…

Từ ngày 1/1-30/9 vừa qua, trên các tuyến cao tốc VEC quản lý xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông. Các chỉ tiêu số vụ tai nạn, số người bị thương, số vụ va chạm giao thông đều giảm khi so với 9 tháng năm ngoái, tương ứng giảm 14%, 32% và 3%.

Theo ông Chung, riêng chín tháng của năm nay, tốc độ tăng trưởng lưu lượng trên các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác đạt 11% so cùng kỳ năm trước, tương ứng với 30,5 triệu lượt.

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tuyến cao tốc VEC (tới 17%), với việc đưa đón 11,4 triệu lượt phương tiện. Đứng ở vị trí thứ hai về lưu lượng phục vụ là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện, trong đó lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc này là 217.000 lượt phương tiện.

Chín tháng qua, cao tốc Nội Bài-Lào Cai phục vụ 7,4 triệu lượt phương tiện, cao hơn 12% so cùng kỳ năm ngoái. Sau 4 năm đưa toàn tuyến vào khai thác (21/9/2014-21/9/2018), đã có 30,5 triệu lượt phương tiện lựa chọn cao tốc Nội Bài-Lào Cai làm lộ trình di chuyển.

“Như vậy, đã có 142 triệu lượt phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc VEC tính từ khi đưa vào khai thác đến cuối tháng Chín vừa qua,” ông Chung thông tin.

VEC là chủ đầu tư, quản lý 4 tuyến cao tốc được đưa vào khai thác (cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây) với tổng chiều dài gần 500km và một dự án đang triển khai thi công (cao tốc Bến Lức-Long Thành), dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành toàn tuyến, nâng tổng chiều dài đường cao tốc VEC quản lý lên 550km, chiếm 65% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia.

Các tuyến cao tốc VEC quản lý, sau khi đưa vào khai thác, đã được xã hội và người dân đánh giá cao, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương dọc tuyến và các vùng phụ cận…

Ngoài ra, những tuyến đường cao tốc này mở ra không chỉ tăng cường giao thương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, khơi dậy tiềm năng các ngành nghề thế mạnh của mỗi địa phương, mà dưới góc độ phát triển bền vững của mỗi quốc gia, những tuyến đường cao tốc còn giúp giảm thiểu sự cố, tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với đường cao tốc…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục