Diễn ra từ ngày 24-26/2, Triển lãm chuyên ngành đóng tàu, hàng hải và công trình biển (Vietship 2016) do Tổng công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC) tổ chức sẽ là cơ hội hợp tác và phát triển ngành đóng tàu Việt Nam.
Qua 7 lần liên tiếp tổ chức, Vietship đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác phát triển, thu hút đầu tư, trao đổi khoa học công nghệ và tạo ra cơ hội lý tưởng xúc tiến thương mại trong ngành. Diễn ra vào mùa Xuân 2 năm một lần, Vietship là điểm đến không thể thiếu của cộng đồng hàng hải trên thế giới và Việt Nam.
Theo ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ đóng tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Vietship là triển lãm có quy mô lớn nhất và lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam. Kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2002, Vietship đã trở thành nơi hội tụ và trình diễn các công nghệ tiên tiến của khu vực cũng như trên thế giới trong đóng mới và sửa chữa tàu thủy, thiết bị hàng hải, dịch vụ vận tải biển và đường thủy nội địa, kỹ thuật hàng hải xa bờ,” ông Ngô Tùng Lâm cho biết.
Triển lãm có 130 tổng công ty tham gia (52 công ty Việt Nam và 78 công ty nước ngoài), tổng số 220 gian hàng đến từ 15 quốc gia trên thế giới có nền công nghiệp đóng tàu phát triển như Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp, Anh, Phần Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nauy, Nhật Bản, Nga, Singapore, Malaysia, Trung Quốc.
Ông Phạm Bình Minh, Trưởng ban Kinh doanh thương mại SBIC, Phó Trưởng ban tổ chức triển lãm Vietship cho biết, quy mô số lượng các công ty và gian hàng tham gia Vietship lần thứ 8 tăng hơn 10% so với năm 2014 (115 công ty).
“Vietship sẽ có từ 12-14 giải thưởng cho các sản phẩm mới như tàu chở quân cho Venezuela, tàu chở dầu cho Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan), dịch vụ nghiên cứu biển và một số tàu cá đóng cho ngư dân… Số lượng nhà máy đóng tàu bên quân đội tham gia giảm so với 2014. Hiện, có nhà máy tàu Hồng Hà, nhà máy đóng tàu Dầu khí, một số nhà máy đóng tàu tư nhân và các trường đại học,” ông Phạm Bình Minh tiết lộ.
Các lĩnh vực trưng bày bao gồm công nghệ đóng tàu và sửa chữa tàu thủy; thiết bị và vật liệu dùng cho đóng tàu; trang thiết bị trong nhà máy đóng tàu; phương tiện ngoài khơi, công trình biển; phương tiện và các dịch vụ vận tải hàng hải, kinh doanh cảng; các dịch vụ khác như thiết kế, đăng kiểm, bảo hiểm, tài chính, tư vấn, đào tạo, logistic…
Các hoạt động trong khuôn khổ triển lãm Vietship 2016 như hội thảo xác định thị trường tiềm năng cho các nhà máy đóng tàu, diễn đàn người mua, lễ ký kết hợp đồng, thỏa thuận sẽ diễn ra từ ngày 24-26/2./.