Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là sự kiện phản ánh rõ hai phong cách hoàn toàn trái ngược nhau giữa một bên là ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với một chương trình đã được lên kế hoạch cẩn thận, với đối thủ là ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, người có phong cách khá bốc đồng.
Kể từ năm 1980 tới nay, nước Mỹ mới lại chứng kiến một cuộc đua sít sao, hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều ngã rẽ giữa 2 ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng "Con voi" (biệt danh của đảng Cộng hòa) và đảng "Con lừa" (biệt danh của đảng Dân chủ).
Trong suốt chiến dịch tranh cử, thay vì sử dụng các phương tiện truyền thông chính thống, cả hai ứng cử viên đều thông qua các chương trình giải trí như "The Tonight Show," "Saturday Night Live" hay thậm chí là trang mạng xã hội Twitter, để trực tiếp và thẳng thắn truyền tải các thông điệp của mình đến với cử tri.
Các cuộc tranh luận trực tiếp thường là cơ hội để cử tri có thêm cái nhìn về con người cũng như những thông điệp của các ứng cử viên. Tuy nhiên, các màn đối đầu trực diện năm nay sẽ là thời điểm các ứng cử viên phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi quan trọng, điều mà họ đã cố gắng né tránh trong các chiến lược tranh cử suốt thời gian qua.
Với bản lĩnh chính trị dày dạn và kinh nghiệm 10 lần tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã mở màn bằng việc công kích quan điểm chính sách kinh tế của đối thủ.
Bà đặt câu hỏi liệu ông Trump sẽ đưa nền kinh tế Mỹ đi về đâu khi mà các công ty thuộc quyền sở hữu của tỷ phú này đã 4 lần tuyên bố phá sản và bản thân ứng cử viên Cộng hòa không nộp thuế liên bang trong nhiều năm, đồng thời thách thức đối thủ công khai hồ sơ thuế.
Bà nhấn mạnh quan điểm nếu trở thành tổng thống sẽ tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu, nâng thu nhập tối thiểu của người lao động, thúc đẩy các kế hoạch tăng trưởng việc làm bền vững bằng những chương trình đầu tư dài hạn và thuê lao động mới, cũng như siết chặt quản lý các thị trường tài chính.
Đáp lại phát biểu của đối phương bằng một phong thái điềm tĩnh khá mới lạ, ứng cử viên Donald Trump bày tỏ hoài nghi cam kết của đối thủ và yêu cầu cựu Ngoại trưởng Mỹ công khai 33.000 lá thư điện tử cá nhân.
Chính khách Cộng hòa cho rằng người lao động Mỹ đang bị cướp việc làm, giảm thu nhập bởi những thỏa thuận thương mại yếu kém, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và nền kinh tế Mỹ đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ 20.000 tỷ USD.
Ông cũng khẳng định chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 39% hiện nay xuống còn 15% và thúc đẩy tăng trưởng việc làm bằng cách nới lỏng các quy định đối với khu vực tài chính-năng lượng, đồng thời hủy bỏ chương trình y tế Obamacare.
Cựu Ngoại trưởng Clinton cũng khéo léo “ghi điểm” trong mắt cử tri với màn tranh luận về chủ đề tương lai đất nước. Nếu như ông Trump tiếp tục tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại,” “hùng mạnh trở lại,” thì bà Clinton cho rằng tương lai nước Mỹ đang nằm trong tay cử tri và lá phiếu của họ sẽ quyết định người Mỹ có ngẩng cao đầu kiêu hãnh trong tương lai hay không.
Bà nhấn mạnh nước Mỹ phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với các sắc tộc thiểu số khi mà số công dân da màu bị các nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ hoặc bắn chết cao hơn hẳn so với công dân da trắng; tình trạng quản lý súng đạt thiếu chặt chẽ cũng khiến số vụ xả súng ngày càng tăng.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng nước Mỹ cần phải khôi phục trật tự xã hội và luật pháp. Theo ứng cử viên đảng Cộng hòa, vấn đề người nhập cư trái phép chính là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Cựu Ngoại trưởng Clinton được đánh giá là đã khai thác triệt để ưu thế về chính sách đối ngoại trong cuộc tranh luận đầu tiên. Bà đánh giá an ninh mạng là một trong những thách thức lớn nhất đối với tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Đáp lại, ông Trump cáo buộc trong 8 năm Tổng thống Barack Obama cầm quyền, nước Mỹ đã đánh mất khả năng kiểm soát đối với Internet và an ninh mạng trở thành lĩnh vực dễ bị tổn thương.
Đối với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, ứng cử viên Clinton cho biết nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà sẽ tăng cường chiến dịch không kích, ngăn chặn mọi nguồn cung cấp tài chính và chiến binh nước ngoài của IS.
Còn ứng cử viên Trump cho rằng chính quyền Obama đang thực thi một chính sách yếu đuối trong cuộc chiến này và Mỹ đã thất bại trước chủ nghĩa khủng bố ngay trên sân nhà. Ông Trump cũng cho rằng Tổng thống Obama và bà Clinton phải chịu trách nhiệm về sự hình thành của IS.
Trên thực tế, các cuộc tranh luận kiểu này là thế mạnh của ông Trump - một cựu ngôi sao truyền hình thực tế đã có những kỹ năng tranh luận cơ bản để có thể giành chiến thắng.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay, khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa thường xuyên đưa ra các tuyên bố kỳ quặc, nhiều khi “gây sốc,” và tiến hành một chiến dịch tranh cử theo phong cách truyền hình thực tế, thì các cuộc tranh luận trực tiếp là cơ hội quan trọng để không chỉ bà Clinton mà cả các phương tiện truyền thông có thể gây sức ép buộc ông Trump phải có trách nhiệm về những phát biểu gây sốc cũng như sự “sớm nắng chiều mưa” trong các tuyên bố chính sách của mình.
Những câu chuyện lịch sử liên quan đến màn tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống càng khiến người ta tin rằng tác phong là điều quan trọng hơn so với bản chất và năng lực thực sự.
Điều này có thể lý giải cho những thay đổi đáng kể trong vai trò của truyền thông đối với các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và yêu cầu đặt ra với vị trí lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Có thể nói sự tự tin và tác phong trước ống kính của một chính trị gia được xem là nhân tố mang tính quyết định và khiến vị thế của đội ngũ cố vấn truyền thông ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống chính trị của nước Mỹ.
Theo kết quả thăm dò nhanh qua Internet do trang mạng fortune.com thực hiện ngay sau cuộc tranh luận đầu tiên, bà Hillary được đánh giá có màn trình diễn ấn tượng hơn với tỷ lệ ủng hộ là 54%, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 45%.
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến ngày bầu cử, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ khi có hơn 20% số cử tri cho biết họ chưa quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Và chắc chắn màn thể hiện của các ứng cử viên trong hai cuộc tranh luận trực tiếp còn lại sẽ ngày càng gay cấn./.