Bất chấp trời mưa lạnh, nhiều người vẫn có mặt tại ngôi nhà cổ số 87 Mã Mây để nghe ca trù trong buổi ra mắt điểm biểu diễn thứ hai của Giáo phường ca trù Thăng Long, tối 5/10. Đau đáu nỗi niềm ca trù Nói về ca trù, trước giờ biểu diễn, nghệ nhân đàn đáy lão làng Nguyễn Phú Đẹ sáng bừng ánh mắt khi trò chuyện cùng phóng viên Vietnam+, như quên đi cái tuổi 88 của mình. Dù tuổi đã cao, lại đường xa mưa lạnh, nhưng khi được biết sự kiện quan trọng này, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã thu xếp hành lý, công du từ quê hương Hải Dương lên Hà Nội tham gia biểu diễn. Trong tâm người nghệ nhân già lúc nào cũng đau đáu lo cho tương lai của ca trù bởi theo ông, những người tận hiểu ca trù không còn bao nhiêu và đều đã ở tuổi "cây cao bóng cả." “Thế hệ trẻ cũng không nhiều người mặn mà với ca trù. Bên cạnh đó, lại có người mới biết sơ sơ về ca trù đã tự mãn rồi tìm cách làm ăn chộp giật,” nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ lo lắng. Nghĩ vậy nên bao tâm huyết với nghề, ông Đẹ dốc hết ra để biểu diễn và để truyền nghệ thuật cũng như dạy nhân cách cho những người có tâm với ca trù. Ông luôn cố gắng để làm sao có thể giữ gìn và phát triển được loại hình nghệ thuật này. Chung nỗi niềm với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, bà Dương Tuyết Lan, một người cháu nội của tác giả bài ca trù nổi tiếng “Hồng Hồng Tuyết Tuyết,” càng đau đáu hơn trước việc bảo tồn nghệ thuật này. Bà Lan cho biết, không chỉ sáng tác hơn 20 lời ca, bà còn dầy công mở các cuộc trò chuyện với thế hệ trẻ để họ hiểu và quan tâm bảo tồn ca trù bởi lúc nào bà cũng tâm niệm: “Nếu không giữ được ca trù là có tội với tổ tiên.” Mặc dù tâm huyết với ca trù và đau đáu nỗi niễm bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật này nhưng trước đây, Câu lạc bộ ca trù Thăng Long cũng chỉ có một điểm biểu diễn ở đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, Hà Nội với lịch biểu diễn thưa thớt là một tối trong mỗi tuần. Đứng trên phương diện người quản lý Câu lạc bộ ca trù Thăng Long, hơn ai hết ca nương Phạm Thị Huệ ngoài việc làm sao cho các ca nương, kép đàn có thể sống được bằng nghề, chị còn mong ước ca trù có thể phát triển như… thuở xưa. “Sau buổi ra mắt này, chúng tôi sẽ diễn vào tất cả các tối trong tuần để phục vụ công chúng,” chị Huệ cho biết. Đội mưa đi nghe ca trù Tiếng đàn đáy, trống chầu, từng nhịp phách và lời ca tha thiết của các ca nương đã làm ấm lên bầu không khí trong ngôi nhà cổ giữa cái lạnh đầu mùa của Hà Nội. Vẫn đó những lời ca ngọt ngào quen thuộc của ca trù: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân/ Tìm đâu cho thấy cố nhân/ Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương…” sao vẫn như nghe lần đầu, cuốn hút đến vậy! Đội mưa đi nghe ca trù, ông Hùng đến từ phố Hàng Buồm cho biết, thi thoảng ông có qua đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc để nghe các nghệ nhân của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội biểu diễn, hay qua đền Quan Đế ở Hàng Buồm nghe các cây đàn, giọng ca đến từ câu Lạc bộ ca trù Thăng Long. “Nay, ca trù Thăng Long mở thêm điểm diễn thứ hai ở phố cổ, đó là dấu hiệu đáng mừng về sự sống lại của ca trù Việt Nam,” ông Hùng nói. Còn những người dân sống ở gần ngôi nhà cổ ở Mã Mây lại có tâm trạng rộn ràng của kẻ láng giềng “ca quán.” Chị Kim Ngân (Mã Mây, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ, chị rất tự hào được sống gần ngôi nhà cổ, nếu như các hoạt động ca trù được diễn ra thường xuyên hơn ở nơi đây sẽ tôn vinh thêm văn hóa phố cổ của Hà Nội. Ca trù còn làm nao lòng những kiều bào về thăm quê hương sau hàng chục năm xa xứ. Ví như vợ chồng ông Trần Văn Nhân sau hơn 60 năm sống ở Mỹ, nay vừa về thăm quê hương, được người bạn giới thiệu có chương trình ca trù ở ngôi nhà cổ, ông bà khấp khởi đội mưa đến nghe. Bà Nhân cho biết, bà mới chỉ được nghe ca trù duy nhất một lần qua đĩa DVD và đây là lần đầu tiên vợ chồng bà được tận tai, tận mắt thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nghe điệu ca trù vừa trầm lắng vừa réo rắt khiến ông bà dù đang đứng trên mảnh đất quê hương mà vẫn nghe nao nao nỗi nhớ thương da diết. Không được ở Việt Nam lâu ngày để tiếp tục thưởng thức ca trù, vợ chồng ông Nhân đành tìm những đĩa ca trù với hy vọng khi sang Mỹ ông bà vẫn được nghe lại giai điệu quê hương này đồng thời cũng để “khoe” với kiều bào bên đó về nét độc đáo của nghệ thuật dân tộc mình. Còn đối với du khách nước ngoài lần đầu được nghe ca trù là điều hết sức thú vị. Chị Kakiko, một du khách người Nhật Bản vừa tới Việt Nam còn run run vì mưa lạnh cũng vui vẻ cho biết, hôm nay chị đến thăm ngôi nhà cổ vô tình lại được nghe ca trù. Giai điệu vừa cổ kính, sâu lắng lại vừa trang nhã, thiết tha của ca trù đã gây ấn tượng mạnh cho Kakiko. Đối với chị, đây là một món quà ý nghĩa chị có được trong chuyến du lịch này. Kakiko cho rằng, nếu hoạt động này diễn ra thường xuyên sẽ tăng cơ hội cho những du khách nước ngoài như chị có dịp thưởng thức ca trù Việt Nam./.
Tối 5/10, tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã kết hợp với Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức ra mắt điểm biểu diễn thứ hai của giáo phường này.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội, sau khi ca trù được UNESSCO công nhận là di sản thế giới, công chúng Việt Nam và du khách quốc tế biết đến ca trù nhiều hơn. Việc nhân rộng mô hình như thế này sẽ giúp cho khán, thính giả có điều kiện tiếp cận hơn nữa với loại hình nghệ thuật này, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
|
Thiên Linh (Vietnam+)