CIEM: Tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,88% song luôn cao so với tiềm năng

Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP cả năm của nước ta sẽ đạt 6,88% và được duy trì trong các năm kế tiếp không quá khó, song hiện thực lại đang cho thấy tăng trưởng GDP luôn cao so với tiềm năng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP cả năm của nước ta sẽ đạt 6,88% và được duy trì trong các năm kế tiếp (năm 2019 và năm 2020) không quá khó. Song, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM lại đề cập đến câu chuyện dài hơi hơn với tính bền vững, khi mà hiện thực đang cho thấy tăng trưởng GDP luôn cao so với tiềm năng.


Tăng trưởng vượt tiềm năng?

Cụ thể, Báo cáo kinh tế quý 3 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM cho hay, nền kinh tế chín tháng qua năm đã đạt kết quả khả qua và vượt qua mọi mối ngại trước đó về khả năng có thể sụt giảm tăng trưởng liên tục trong các quý. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của CIEM kỳ vọng lạm phát năm 2018 sẽ được kiểm soát ở mức 3,97%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo tăng khá cao 13,34%  và thặng dư thương mại dự báo quanh mức 5,1 tỷ USD.

“Nhưng, nhiều yếu tố nội tại vẫn chưa được cải thiện thậm chí có xu hướng sụt giảm,” ông Dương đề cập, cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đều tăng chậm lại. Điều này có thể tham chiếu qua con số doanh nghiệp giải thể 9 tháng lên tới 11.536 công ty và số lượng tạm ngừng hoạt động 73.103 doanh nghiệp, tăng tương ứng 32,1% và tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tăng trưởng kinh tế đang dựa vào xuất khẩu và xuất khẩu lại đến từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng). Theo ông Dương, thu hút nguồn vốn FDI là quan trọng nhưng song yếu tố quyết định không còn là vốn. Những yêu cầu về chuyển giao công nghệ, đề phòng tác động bất lợi (môi trường, xã hội) hay hoạch định ngành nghề ưu tiên trong thu hút FDI là rất cần thiết, nhưng từ thể chế thu hút vốn đến hệ thống thông tin, giám sát đều đang thiếu.

Như trong vấn đề công nghệ, ông Dương chỉ ra thực tế, cho dù doanh nghiệp FDI có muốn chuyển giao song hệ thống doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng tiếp nhận?

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Tiến lên hàng đầu… không phải là viển vông

Đánh giá cao về các kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, tin tưởng nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và dần cũng cố thêm vào các tháng cuối năm.

“Kinh tế nội địa đang dần phục hồi với mức tăng trưởng cao trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước các năm 2007 – 2008.  Thời gian qua, quá trình tái cơ cấu kinh tế đã có những kết quả nhất định. Cụ thể, nhiều nhân tố vi mô của nền kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng phần nào đã thay đổi, như tăng trưởng không còn phụ vào khai khoáng và tăng trưởng tín dụng...,” ông Cung nói.

Về bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những tác động chưa lường hết, cơ hội song hành cùng thách thức.

Người đứng đầu CIEM nhấn mạnh, “cơ hội chỉ đến và hiện thực hóa khi Việt Nam chủ động thay đổi, có lựa chọn và có hành động phù hợp. Cách mạng công nghiệp 4.0 là đề tài được đề cập rất nhiều song Việt Nam sẽ lên những toa đầu hay cuối đoàn tàu?”

Do đó, ông Cung cho rằng sẽ có hai xu hướng xảy ra, nếu Việt Nam thực sự nắm bắt lấy cơ hội của xu thế công nghệ mới, cập nhật mô hình kinh doanh mới, ưu tiên đổi mới sáng tạo với hệ thống start-up có sự khác biệt trong công nghệ và kinh tế số.

“Cơ hội này rất rõ nét và có điều kiện để thực hiện. Ý tưởng về một Việt Nam tiến cùng thời đại và vươn lên hàng đầu không phải là viễn vông từ cách mạng công nghiệp 4.0,” ông Cung nói.

 Song đáng tiếc ông Cung cũng chỉ ra, cho đến nay những nhận thức trong xã hội về 4.0 còn chưa đầy đủ. Thậm chí, các yếu tố manh nha ban đầu, cơ hội ban đầu (như các mô hình kinh doanh số cạnh tranh với kinh doanh truyền thống) đang vô tình hoặc bị cố ý cản trở từ trong cách tiếp cận cho đến hành động chính sách.

“Sự chần chừ, không chịu đổi mới có thể làm cho Việt Nam một lần nữa mất cơ hội. Và, nếu mất cơ hội lần này, Việt Nam không thể tiếp tục đổ lỗi cho khách quan, cho bên ngoài, cho hoàn cảnh lịch sử như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.  Những cải cách có tính nền tảng hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại… vẫn còn xa phía chân trời,” ông Cung thẳn thắn nói./.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương -CIEM.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục