CIEM đưa ra hai kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024

Thế giới đang chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ, từ công nghệ mới đến xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế, đây là thách thức đồng thời lại cơ hội phát triển kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đạt tới 6,42% đồng thời lạm phát được kiểm soát. (Ảnh: Vietnam+)
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đạt tới 6,42% đồng thời lạm phát được kiểm soát. (Ảnh: Vietnam+)

Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế-xã hội quan trọng. Trên cơ sở đó, báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra hai kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Báo cáo trên được công bố tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng,” diễn ra ngày 9/7.

Dự báo lạc quan

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho biết từ đầu năm 2024, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đạt tới 6,42% đồng thời lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5% cùng với đó đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Quan trọng hơn, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi Xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng.

z5616383165343_9fcb16ca700f6a5136489db40f11b5b4.jpg
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng,” ngày 9/7. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp-CIEM, chia sẻ báo cáo dự báo với kịch bản thứ nhất tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Kịch bản dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024.

Kịch bản thứ hai với tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD. Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh kết quả có được dựa trên bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, chuỗi cung ứng phục hồi và đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, kịch bản này cũng giả thiết Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế. Qua đó, nền kinh tế đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng (kể cả chất lượng tín dụng), tăng năng suất lao động song hành cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thận trọng trước thách thức

Trên bình diện quốc tế, những đánh giá chung cho rằng khó khăn sẽ nhiều hơn so với thuận lợi, khi xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn. Các nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến nhằm kiềm chế lạm phát. Thêm nữa, cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, phức tạp. Hiện, nhiều quốc gia đã gia tăng các quy định về phát triển bền vững có tác động đến nhu cầu nhập khẩu, thậm chí thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng lo ngại hơn, thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, ảnh hưởng tới tình hình an ninh lương thực và giá cả hàng hóa ở nhiều nước.

Trong khi đó, thế giới đang chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ từ công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo), xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài và gia tăng hợp tác quốc tế (về các nội dung phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu). Những yếu tố này một mặt là thách thức và mặt khác có thể mang lại không ít cơ hội kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt.

Để đạt được những mục tiêu kinh tế-xã hội đặt ra, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng cần phải có những nghiên cứu, xây dựng Chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng trong giai đoạn 2025-2026.

Từ những đánh giá cụ thể, báo cáo từ nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra kiến nghị các cấp, các ngành cần theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường quốc tế và diễn biến kinh tế ở các nước đối tác. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng, cập nhật và thực thi các kịch bản phù hợp, kịp thời nhằm củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, giữ dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Nhân viên Samsung tại dây chuyền sx các thiết bị 5G (3).JPG
CIEM đưa ra kiến nghị các cấp, các ngành cần theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường quốc tế và diễn biến kinh tế ở các nước đối tác. (Ảnh: Vietnam+)

Mặt khác, chính sách điều hành kinh tế đẩy mạnh cơ cấu theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Về chính sách tiền tệ, báo cáo kiến nghị tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cấp quản lý ngành điều hành đảm bảo linh hoạt thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu Chính phủ, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối. Đặc biệt là đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng của nền kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ/điều hành, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…).

Về chính sách tài khóa, bên cạnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách Nhà nước, CIEM kiến nghị cần nghiên cứu khả năng điều chỉnh mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho một số nhóm đối tượng phù hợp hay cơ chế thuế phù hợp đối với hàng hóa nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử để bảo đảm cân bằng giữa các mục tiêu thu thuế, kiểm soát chi phí liên quan đến thu thuế và tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử.

Đối với chính sách thương mại, các chuyên gia của CIEM thúc giục việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu, trong đó cân nhắc các giải pháp mạnh mẽ hơn để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục