CIEM: Cải thiện tự chủ của nền kinh tế để thu hút lợi ích từ RCEP

Để nâng cao hiệu quả thực thi RCEP, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất các kiến nghị về cải cách thể chế trong trung và dài hạn tại Việt Nam có gắn với tăng cường mức độ tự chủ của nền kinh tế.
Tham gia vào RCEP, Việt Nam hướng nhiều hơn đến tác động ‘tạo thương mại.’ (Ảnh minh họa/TTXVN)
Tham gia vào RCEP, Việt Nam hướng nhiều hơn đến tác động ‘tạo thương mại.’ (Ảnh minh họa/TTXVN)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Song, trong thực tiễn Việt Nam đang nhập siêu từ khu vực RCEP cộng thêm những hệ lụy làm gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 (năm 2020), điều này khiến một số chuyên gia đặt ra những quan ngại về lợi ích mà Việt Nam có thể thu được từ RCEP, đặc biệt ở một khía cạnh mới hơn, đó là mức độ tự chủ của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã thực hiện và công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam,” ngày 20/1.

Hướng đến tác động “tạo thương mại”

Bà Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng CIEM cho biết báo cáo này tiến hành đánh giá hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam với các đối tác trong khu vực RCEP (bao gồm cả quy mô và chất lượng). Từ đó, nhóm nhiên cứu xác định những vấn đề thể chế và cơ cấu đối với hoạt động thương mại, đầu tư có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội và xử lý thách thức từ RCEP. Với những phân tích trên, báo cáo đã đề xuất các kiến nghị cải cách thể chế trong trung và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả thực thi RCEP gắn với tăng cường mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM việc tham gia ký kết RCEP là kết quả không ngừng nghỉ của Việt Nam khi cùng lúc đó cũng đàm phán song song với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) có chất lượng cao, quy mô lớn vào bậc nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

“Điều này đòi hỏi không ít nỗ lực trong hoạt động điều phối và cân nhắc các nội dung đàm phám. Tham gia vào RCEP, Việt Nam hướng nhiều hơn đến tác động ‘tạo thương mại’ thay vì lo ngại về cạnh tranh chiến lược của hiệp định này với các sáng kiến khác như TPP/CPTPP. Dù vậy, Việt Nam cũng nhìn nhận một số khác biệt của RCEP so với CPTPP và EVFTA, đặc biệt là tác động ít nổi bật hơn đối với cải cách thể chế,” ông Dương nói.

Có thể thấy, ngoài các nội dung truyền thống như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật, RCEP còn đưa vào một số nội dung mới hơn như thương mại điện tử, cạnh tranh,...

Khác với CPTPP và EVFTA, hiệp định RCEP không có các chương như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước... Song so với các FTA ASEAN+1 khác, RCEP đã đưa vào không ít nội dung mới, gần sát với các FTA thế hệ mới, như thương mại điện tử, cạnh tranh, mua sắm chính phủ... Do đó, bản thân RCEP có cách tiếp cận nhằm thể hiện dư địa để có thể cải thiện chất lượng cam kết ngay cả khi hiệp định đã đi vào thực thi.

CIEM: Cải thiện tự chủ của nền kinh tế để thu hút lợi ích từ RCEP ảnh 1Công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam,” ngày 20/1. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, báo cáo của CIEM chỉ ra RCEP có thể mang lại một số cơ hội và cả thách thức khi mà mức độ bao phủ vùng lãnh thổ lên tới 30% dân số toàn cầu, tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu.

“Các nghiên cứu định lượng thực hiện cho đến nay đều cho thấy RCEP có tác động ‘tạo thương mại’ chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. Cụ thể ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực qua việc gia tăng thương mại hàng trung gian,” báo cáo chỉ ra.

Cải cách thể chế gắn với các cam kết FTA

Theo báo cáo, những thách thức của Việt Nam khi thực thi RCEP nằm ở khả năng tận dụng ưu đãi trong hiệp định cũng như khả năng duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu, thêm vào đó là gia tăng áp lực nhập siêu. Song qua quá trình thực hiện báo cáo, nhóm tác giả nhìn nhận việc cải cách thể chế sẽ có tác động hiện hữu, theo hướng tăng cường thêm động lực cho Việt Nam gắn với các cam kết trong CPTPP và EVFTA.

Với đầu tư nước ngoài, RCEP cũng có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Các chuyên gia đánh giá Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19.

Về thách thức, rõ ràng Việt Nam sẽ phải nhìn nhận và xử lý một cách có hiệu quả tình trạng nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP như hiện nay. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn cho rằng Việt Nam đang tiến hành sàng lọc chất lượng của dự án FDI, đây chủ trương đúng nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi. Hơn nữa, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô sẽ trở nên phức tạp đồng thời nảy sinh thêm những khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

“Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam song vẫn có thể xử lý được. Tuy nhiên, cách xử lý thách thức bằng thể chế sẽ phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận của Việt Nam. Và, khó có hiệu quả nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP,” ông Dương nhấn mạnh

Với những phân tích trên, báo cáo đưa ra cách tiếp cận để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam với năm nhóm giải pháp chính. Đó là tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất.

Cụ thể, Việt Nam cần đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, tư duy định hướng về một số (ít) ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP và mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực.

Việc hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư sẽ góp phần giúp Việt Nam xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và nhập khẩu hàng trung gian đồng thời phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị khu vực RCEP. Nhóm tác giả cũng đề nghị Việt Nam cần sớm thực hiện và xử lý mạnh mẽ các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng mà ông Dương nhấn mạnh phải thực hiện cải cách ngay, thay vì chờ đến khi hết đại dịch COVID-19./.

CIEM: Cải thiện tự chủ của nền kinh tế để thu hút lợi ích từ RCEP ảnh 2(Nguồn: CIEM)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục