CIEM: 'Bình tĩnh đối phó với những bất định, GDP có thể đạt 6,8%'

Các chuyên gia từ CIEM dự báo 'GDP cả năm có thể đạt mức 6,82%, theo đó kim ngạch xuất khẩu ước tăng 8,02%, thặng dư thương mại ở mức 0,8 tỷ USD và lạm phát bình quân là 3,38%.
So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đi được nửa chặng đường của năm, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước được đánh giá là những điểm sáng đóng góp vào kết quả tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.”

Nội dung trên được ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn,” do CIEM tổ chức với sự phối hợp của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 12/7.

Bám sát mục tiêu tăng trưởng

Trong quý 2, xu hướng thắt chặt tài chính tại một số nền kinh tế phát triển đã nhanh chóng bị đảo ngược. Căng thẳng được “lắng dịu” do Mỹ gia hạn thời gian ngừng leo thang thuế quan ở thời điểm cuối tháng Hai, nhưng ngay sau đó sự đối đầu về thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát trở lại phức tạp hơn trong tháng Năm và có xu hướng hạ nhiệt ở cuối tháng Sáu.

[Bộ trưởng Công Thương: Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực]

Trong khi đó tại Việt Nam, mặc dù kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý 1 là tương đối cao, song Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh kể từ đầu quý 2, yêu cầu các cơ quan quản lý chức năng chủ động theo dõi, cập nhật và dự báo những diễn biến từ bên ngoài được thực hiện thường xuyên hơn.

Kết quả, tăng trưởng GDP trong quý 2 đạt 6,71% có giảm so với quý 1 (6,82%). Nhìn chung 6 tháng, GDP đã tăng 6,76% và thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng vẫn được cho là cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Và, kết quả này không quá xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8%-7,0%).

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn là cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế nội địa tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng GDP tiềm năng vẫn giữ ở xu hướng giảm. Điều này phản ánh những lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố,” ông Dương nói.

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn," ngày 12/7. (Ảnh: Vietnam+)

Bình tĩnh đối phó những bất ổn từ bên ngoài

Báo cáo của CIEM lần này đề cập đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và nhận định căng thẳng vẫn còn tiếp diễn và hết sức khó lường. Các chuyên gia từ CIEM đưa ra khuyến cáo, những diễn biến và động thái liên quan từ hai phía Mỹ - Trung Quốc đều có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế thế giới.

“Có nhiều kịch bản, diễn biến bất định mà cuộc chiến tranh thương mại này có thể xảy ra trong tương lai, kéo theo các phản ứng khác nhau của các quốc gia khác. Và, Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ song lại mở cửa hội nhập sâu rộng nên khó tránh khỏi những tác động gây ra từ cuộc chiến này, do đó lựa chọn chính sách để ứng phó là điều cần thiết,” ông Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Dương đánh giá khá cao về khả năng ứng phó của Việt Nam. Theo chuyên gia này, mặc dù vị thế quốc gia đã ít nhiều được cải thiện song Việt Nam vẫn giữ được cái nhìn nghiêm túc về thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ và các bộ, ngành đã thường xuyên theo dõi, đánh giá và dự báo tình hình thế giới và trong nước, qua đó cập nhật và hoàn thiện các kịch bản điều hành. So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới.

“Quan trọng hơn, các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới,” ông Dương nói.

Dự báo kinh tế vĩ mô cả năm 2019, các chuyên gia CIEM cho rằng GDP có thể đạt mức tăng trưởng 6,82%, theo đó kim ngạch xuất khẩu ước tăng 8,02%, thặng dư thương mại ở mức 0,8 tỷ USD và lạm phát bình quân là 3,38%.

Ngoài ra báo cáo của CIEM có đưa ra một số cảnh báo cần lưu ý trong nửa cuối của năm, cụ thể diễn biến kinh tế vĩ mô có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố về rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới bên cạnh căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mặc dù được kỳ vọng sẽ được phê chuẩn song cũng cần lưu ý ở thời điểm này EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Ngoài ra, khả năng hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ, thêm vào đó là sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày một phức tạp hơn, ngay cả ở các thị trường phát triển.../.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình này có trị giá 6,5 triệu AUD hoạt động trong thời gian 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2021).

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình này có trị giá 6,5 triệu AUD hoạt động trong thời gian 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2021).

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục