Chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt: Vì đâu mãi dang dở?

Gặt hái thành công khi thi đấu ở nước ngoài là một "giấc mơ xa xỉ" với các cầu thủ Việt, khi từng thành viên của lứa cầu thủ sáng giá nhất nhì bóng đá nước nhà "đi để trở về" cùng với tiếng thở dài...
"Ngồi chơi, xơi nước" tại Yokohama FC, Công Phượng đánh mất cơ hội được triệu tập lên Đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Nhật Bản, sau cùng không phải "miền đất hứa" đối với Công Phượng. Sau 2 năm, cuộc phiêu lưu của tiền đạo quê Đô Lương, Nghệ An ở "Xứ sở Mặt Trời mọc" đã chính thức khép lại với một cái kết buồn, với lời chia tay như châm biếm từ Yokohama FC - khi dấu ấn của Công Phượng ở đội bóng này chỉ gắn với những công việc liên quan đến... "quầy" pha chế cafe.

Sự kiện Công Phượng trở về Việt Nam khoác áo Câu lạc bộ ở Giải hạng Nhất là Trường Tươi Bình Phước cũng đánh dấu thời điểm bóng đá nước nhà "sạch bóng" cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Sau rất nhiều kỳ vọng, xuất ngoại vẫn là "giấc mộng chưa thành" với những cầu thủ Việt Nam.

Gian nan đường ra "biển lớn"

Chuyến xuất ngoại thất bại thứ 4 của Công Phượng (lần lượt gia nhập Mito HollyHock (Nhật Bản) vào năm 2016 và 2 lần cho mượn đến các đội Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truiden (Bỉ) vào năm 2019) khiến nỗi trăn trở của những người yêu bóng đá nước nhà về khả năng vươn tầm của các cầu thủ Việt càng thêm trĩu nặng.

Trước Công Phượng, đã có một danh sách dài các cầu thủ Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu của những môi trường bóng đá quốc tế, tiêu biểu là Xuân Trường, Tuấn Anh, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải...

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các cầu thủ Việt Nam không, hoặc chưa thể hòa nhập và thích nghi với những môi trường mới? Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, điểm yếu về mặt thể chất là một trong những rào cản lớn nhất khiến cầu thủ Việt khó có trường hợp xuất ngoại thành công.

"Thực tế, những cầu thủ Việt Nam được tuyển chọn xuất ngoại thi đấu đều có kỹ thuật, kỹ năng xử lý bóng tốt và có tiềm năng phát triển, những phẩm chất mà các đội bóng nước ngoài kỳ vọng có thể áp dụng ở giải đấu của họ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với cường độ vận động cao và tần suất thi đấu liên tục của những giải nước ngoài, điểm yếu của các cầu thủ Việt dần bộc lộ với sự thua thiệt về tốc độ, sức bền, về khả năng va chạm mạnh... Điều này cũng phản ánh cường độ thi đấu ở các giải quốc nội chưa cao, dẫn đến việc cầu thủ Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu của các đội bóng nước ngoài," nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Phan Anh Tú nhận định.

Với thể chất "thấp bé nhẹ cân," cầu thủ Việt Nam khó có cơ hội ra sân thường xuyên ở những giải đấu nước ngoài. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, những vấn đề khác như khả năng thích nghi với môi trường mới, sự hòa nhập về ngôn ngữ, giao tiếp, văn hóa... cũng là những trở ngại đối với cầu thủ Việt khi ra thi đấu ở nước ngoài.

Ngoài ra, động lực và mục tiêu xuất ngoại cũng ảnh hưởng đến khả năng thành công của các cầu thủ, như trường hợp của Công Phượng: việc cựu sao Hoàng Anh Gia Lai đánh đổi thời gian ra sân thi đấu và cả cơ hội được triệu tập lên Đội tuyển Quốc gia để chấp nhận "ngồi chơi, xơi nước" tại Yokohama FC, cũng tạo ra những ý kiến trái chiều trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Thay đổi gì để có chuyến "viễn chinh" thành công?

Thực tế, vẫn có trường hợp cầu thủ Việt Nam thành công ở nước ngoài, như trường hợp của nữ tiền đạo Huỳnh Như ở Câu lạc bộ Lank FC (Bồ Đào Nha). Tuy nhiên, khó có thể lấy bóng đá nữ làm thước đo cho sự phát triển của một nền bóng đá.

Sau những chuyến xuất ngoại thất bại của lứa cầu thủ sáng giá nhất nhì bóng đá Việt Nam, cơ hội ra nước ngoài chơi bóng của các cầu thủ Việt hiện không còn nhiều. Tuấn Hải đã quyết định tiếp tục gắn bó với Hà Nội FC (dù trong hợp đồng vẫn có điều khoản hỗ trợ cầu thủ này ra nước ngoài thi đấu), trong khi ngôi sao Hoàng Đức vẫn bỏ ngỏ tương lai, bất chấp những lời mời (tin đồn) từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan.

"Không chỉ nỗ lực thể hiện khả năng vượt trội so với những đồng nghiệp khác ở các giải trong nước, các cầu thủ Việt muốn ra nước ngoài thi đấu còn đòi hỏi phải có tiềm năng phát triển về thể lực, có khả năng thích nghi với cường độ thi đấu của những nền bóng đá tiên tiến. Tuy nhiên nhìn mặt bằng chung của các cầu thủ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng cơ hội để có những trường hợp như vậy là không cao. Hy vọng trong những năm tới, bóng đá Việt Nam sẽ xuất hiện những trường hợp đột phá, có tiềm năng thể lực và tố chất thích nghi để đáp ứng được yêu cầu của những nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc," chuyên gia Phan Anh Tú kỳ vọng.

Những nền bóng đá trong khu vực như Thái Lan được đánh giá là môi trường phù hợp để các cầu thủ Việt xuất ngoại. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Bên cạnh sự nỗ lực về mặt thể chất, định hướng phù hợp về môi trường thi đấu cũng là yếu tố góp phần quyết định thành bại của một chuyến xuất ngoại. Theo huấn luyện viên Đoàn Minh Xương, người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo bóng đá trẻ, việc tìm được "bến đỗ" phù hợp với trình độ thi đấu sẽ giúp các cầu thủ thường xuyên được ra sân hơn.

"Cầu thủ Việt Nam vốn thấp bé nhẹ cân, do đó các chuyên gia không nên hướng cầu thủ đến những nền bóng đá thiên về thể lực (châu Âu). Thể hình, thể trạng của cầu thủ Việt hiện phù hợp với những môi trường như Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản - và tất nhiên là hạng đấu phải tùy theo trình độ cầu thủ. Các cầu thủ trẻ cần rút kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước, chọn đội bóng phù hợp với năng lực, đảm bảo được thời gian thi đấu thường xuyên thì mới có cơ hội để phát triển," huấn luyện viên Đoàn Minh Xương nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục