Chuyện về trái tim của cậu bé chỉ sống được từng ngày

Họ là những người bệnh như đang đứng trước ngưỡng cửa của cái chết. Câu chuyện về cậu bé Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Đà Nẵng) được ghép tim, cứu sống ngoạn mục làm xúc động biết bao người.
Chuyện về trái tim của cậu bé chỉ sống được từng ngày ảnh 1Bé Phạm Văn Cơ và mẹ. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Họ là những người bệnh như đang đứng trước ngưỡng cửa của cái chết. Mọi hy vọng dường như leo lắt.

“Nghe bác sỹ nói, con chỉ có thể sống được khi được thay tim,” - mẹ cậu bé Phạm Văn Cơ bần thần người. Bà nghĩ ngợi, bà lo lắng, rồi bà lẩm bẩm rằng: “Có được trái tim thay cho con khó hơn mò kim đáy bể…”

Thời gian sống chỉ tính được từng ngày

Câu chuyện về cậu bé Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Đà Nẵng) được ghép tim, cứu sống ngoạn mục làm xúc động biết bao người.

Cơ tâm sự: “Trước kia, khi bị bệnh, ngồi hay nằm em đều không yên. Lồng ngực cứ tức, người uể oải, không có một chút sinh lực nào, đi lại cũng khó khăn. Việc học tập gác lại dang dở…”

[Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời tri ân đến gia đình người hiến tạng]

Từ một cậu bé gầy gò, xanh xao, chỉ nặng 39kg, ấy vậy, sau khi ghép tim, Cơ ra dáng một thanh niên, da dẻ hồng hào. Em đã ăn được ngủ được, tăng hơn 10kg trong vòng 5 tháng.

Cơ sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn. Bố mất sớm, một mình mẹ em - bà Huỳnh Thị Ánh (55 tuổi), với thu nhập ít ỏi từ nghề xay cá thuê, bà tìm mọi cách nuôi cả nhà.

Bà Huỳnh Thị Ánh kể, trước đây Cơ cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Cách đây hai năm – khi đó 12 tuổi, Cơ bất ngờ bị phát hiện mắc căn bệnh dãn tim. Khi biết kết quả về bệnh tình của con, bà vô cùng lo lắng, bởi trước đó, anh trai Cơ cũng qua đời vì căn bệnh này.Nhưng bà quyết không bỏ cuộc, đi vay mượn tiền khắp nơi để đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, những mong có một tia hy vọng.

Bệnh tình của con nặng, chi phí thuốc thang, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ nên bà cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn. Rồi, hai mẹ con lại quay về điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cho gần nhà.

Cơ mỗi ngày một xanh xao hơn, không ăn, không ngủ được. Trước phẫu thuật em ăn không được, ngủ không được, đi cũng không được, đau tức ngực nhiều.

Chuyện về trái tim của cậu bé chỉ sống được từng ngày ảnh 2Thực hiện ghép tim cho bệnh nhân suy tim. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Các bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, khi vào viện, Cơ trong tình trạng bị suy tim giai đoạn cuối, trái tim giãn to gấp 3 lần bình thường khiến lồng ngực cũng bị nhô cao, thời gian sống chỉ tính được từng ngày.Trước đó, cháu bé đã nhiều lần phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

“Bác sỹ cho biết, bệnh của Cơ không chữa được, chỉ thay tim thì mới có cơ hội sống. Tôi nghe tới hai từ thay tim mà cảm giác như sét đánh ngang tai. Tim người chứ đâu phải tim lợn, tim bò đâu mà lấy thay. Tôi thắt cả lòng,” bà Ánh kể lại.

Sau đó, khi được các bác sỹ giải thích, bà liền đăng ký cho con thay tim. “Mình cứ đăng ký vậy vậy thôi, chứ biết để có tim thay khó hơn mò kim đáy bể,” bà Ánh chia sẻ.

Ca điều phối tim hy hữu

Ngày 13/6 với bà Ánh và Cơ là một ngày thật đặc biệt. Bà nhận được điện thoại của Bệnh viện Trung ương Huế nói đã có người hiến tim phù hợp cho Cơ.

“Khi đó tôi vừa mừng vừa sợ. Bởi cơ hội đến với con mình thì mừng lắm, nhưng tôi cũng rất lo khi trong túi không có nổi vài trăm nghìn. Bệnh viện cũng cho biết, gia đình chuẩn bị 300 triệu đồng để phẫu thuật. 300 triệu đồng với gia đình tôi là con số khổng lồ, tôi biết đào đâu ra. Nhưng lúc ấy, tôi đánh liều ký mổ thôi. Nếu nó sống thì cả hai mẹ con cùng sống. Nếu chết, cả hai mẹ con cùng đi với nhau”, bà Ánh chia sẻ

Nghe xong cuộc điện thoại, bà Ánh cùng con trai tức tốc ra Huế, tiền thì nhờ con gái ở nhà vay mượn thêm.

Cơ là một trong hai bệnh nhân có tên trong "Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia". Thời điểm đó, ngoài Cơ còn một bệnh nhân khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp.

Sau đó, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã quyết định điều chuyển trái tim của thanh niên chết não tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho Cơ - người có chỉ số ưu tiên cao nhất.

Khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), phù hợp với Cơ, giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, xin dừng họp Quốc hội, chạy thẳng đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để tham gia lấy tạng.

Chuyện về trái tim của cậu bé chỉ sống được từng ngày ảnh 3Tạng của người hiến tặng được vận chuyển bằng máy bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi lấy tạng thành công, giáo sư Hiệp cùng các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trực tiếp vận chuyển vào Đà Nẵng bằng máy bay, rồi tiếp tục chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế.

Đêm 13/6, ca ghép tim được thực hiện. Đến 4 giờ ngày 14/6, ca phẫu thuật ghép tim đã thành công.

Theo đánh giá của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, đây là ca điều phối tim hy hữu, phải dùng tới nhiều phương tiện vận chuyển và quãng đường vận chuyển phức tạp hơn các ca vận chuyển tim trước đây.

Quãng đường vận chuyển tạng dài hơn lần trước do phải bay vào Đà Nẵng mới có chuyến bay phù hợp với thời điểm phẫu thuật lấy tạng, sau đó quả tim mới được vận chuyển bằng ôtô từ Đà Nẵng ra Huế mà vẫn phải đảm bảo thời gian cho phép ghép tạng.

Tới dự buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Cơ tươi cười, cậu bé khỏe khoắn như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Cơ tâm sự: “Em cảm ơn các bác sỹ, cảm ơn tấm lòng của người đã hiến tặng trái tim cứu mạng em. Nhờ có trái tim ấy, em đã trở lại được cuộc sống bình thường.”

Còn với người mẹ ấy trong lòng luôn thổn thức: "Tôi ra Hà Nội chỉ mong ước được gặp ân nhân của mình, nhưng không được. Họ đã cho cháu được sống lại lần thứ hai. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho gia đình họ được an lành"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục