Chuyện về những người thuộc nhóm máu hiếm ở Việt Nam

Tại Việt Nam, một trong những nhóm máu hiếm hay nhắc đến là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng ở châu Âu hay nhiều nước lại không phải là hiếm.
Các bạn trẻ tham gia hiến máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trong ngày 23/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 23/11, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hoà hợp phenotype tiêu biểu năm 2024.

Tham dự chương trình có gần 300 người hiến máu nhóm máu hiếm và máu hòa hợp phenotype tiêu biểu, được lựa chọn theo nhiều tiêu chí, trong đó tối thiểu đã hiến trên 10 lần và hiến ít nhất 2 lần trong năm 2024.

Có nhiều người khỏe mạnh mang nhóm máu hiếm vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia giọt máu quý giá của mình, hiến tặng người bệnh mỗi khi nhận được huy động của Viện.

Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) đã có 16 lần hiến máu. Ngọc cho hay nhờ việc đi hiến máu nhiều lần nên Ngọc được xét nghiệm và bác sỹ cho biết nhóm máu của cô thuộc nhóm máu hiếm.

Ngọc kể: “Khi được bác sỹ thông báo mình có nhóm máu hiếm B Rh(D) âm, mình đã về nhà tìm hiểu các thông tin về nhóm máu hiếm trên mạng. Ban đầu cũng hơi lo một chút nhưng sau đó thì mình lại thấy bình thường, mình cũng có tìm hiểu và tham gia vào câu lạc bộ nhóm máu hiếm để khi có người cần thì mình sẽ có thông tin để đi hiến máu.”

Ngọc đã nhiều lần nhận được cuộc gọi từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhờ đến hiến máu cho người bệnh. Ngọc nhớ lại, lúc ban đầu thấy khá hoang mang vì không nghĩ là nhóm máu của mình lại hiếm như vậy. Sau này, Ngọc dần quen với việc đi hiến máu hơn thì cũng bình tĩnh hơn khi được gọi.

Chàng trai Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi, Hà Nội) cho biết khi mới bắt đầu là sinh viên ở trường đại học, Sơn đã tham gia hiến máu tình nguyện. Sau lần đầu tiên hiến máu và được xét nghiệm Sơn được biết mình có nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm. Từ đó, Sơn thường đi hiến máu theo những cuộc gọi huy động từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Cũng từ đó, Sơn hiểu được tầm quan trọng của những người hiến máu như mình với người bệnh.

Sơn thường đi hiến máu theo những cuộc gọi huy động từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm.

Phó giáo sư Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho biết năm 2024, Viện đã tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn trong kho chỉ đáp ứng được khoảng 56%, số còn lại (44%) Viện phải tìm kiếm và huy động trực tiếp từ người hiến máu. Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ghi nhận tấm lòng của những người hiến máu nhóm hiếm, hiến máu hòa hợp phenotype đã không quản đường xa (từ Nam Định, Hà Nam, Thái Bình…) đến hiến máu khi được Viện mời gọi.

Phó giáo sư Trần Ngọc Quế cho hay có nhiều người dù bận công việc, bộn bề lo toan hay giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan, đơn vị vẫn luôn sắp xếp quỹ thời gian bận rộn của mình đến hiến máu khi có bệnh nhân cần. Chính sự nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đồng hành của những người có nhóm máu hiếm đã giúp Viện đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt này.

Tính đến tháng 10/2024, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 47 hệ nhóm máu hồng cầu với 366 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Trong đó, hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh là quan trọng nhất trong thực hành truyền máu.

Hội Truyền máu Quốc tế quy ước: một kháng nguyên nhóm máu hay kiểu hình (gọi tắt là nhóm máu) có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.

Tại Việt Nam, một trong những nhóm máu hiếm hay nhắc đến là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng ở châu Âu hay nhiều nước lại không phải là hiếm, vì có thể chiếm tới 15 – 40% dân số.

Khen thưởng cho những người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hoà hợp phenotype tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều năm nay, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình, dự án mà Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiến hành xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype (đã được xác định một số kháng nguyên nhóm máu) đều được lưu trữ trên phần mềm của Viện. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần, Viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách.

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Trần Ngọc Quế, việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm và nhóm máu hòa hợp phenotype vẫn còn một số khó khăn. Như tại một số địa phương, khi có ca cấp cứu nhóm máu hiếm thì người nhà chủ động đăng tải kêu gọi lên mạng xã hội hoặc gọi điện trực tiếp cho người có nhóm máu hiếm mà không thông qua câu lạc bộ nhóm máu hiếm hoặc Viện. Khi gặp các trường hợp đó, nhiều cá nhân đã chủ động chia sẻ khi chưa có sự kiểm chứng, xác thực thông tin. Điều đó dẫn đến tình trạng bị nhiễu thông tin chính thống và gây hoang mang trong cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục