Chuyện về những cô giáo trắng đêm cứu tài sản của nhà trường trong lũ

Đêm 18/10, khi nước lũ dâng cao, cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Tân ở Thạch Hà, Hà Tĩnh đã cùng với 4 cô giáo khác ở lại thức trắng đêm để kê cao bàn ghế, giường tủ, tài liệu.
Giáo viên  phơi sách cho học trò khi nước lũ chưa rút hết.  (Ảnh chụp ngày 22/10/2020). (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Tại vùng tâm lũ ở xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), phụ huynh, người dân vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về những cô giáo của Trường Mầm non Thạch Tân đã thức trắng đêm nỗ lực cứu vớt tài sản cho nhà trường và học sinh ngay trong đêm lũ tràn về.

Cơn lũ lịch sử đã đi qua hơn 1 tháng, mọi hoạt động tại Trường Mầm non Thạch Tân đang dần quay lại trạng thái “bình thường mới” sau thiên tai.

Trong câu chuyện của mình, những cô giáo ở ngôi trường này vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ lịch sử, ngập hơn 2 mét tại đây.

Đó là ngày 18/10, sau mấy ngày mưa tầm tã, nước bắt đầu tràn vào sân trường. Ban Giám hiệu nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên và chồng của các cô đến để kê dọn đồ dùng lên cao. Tuy nhiên, do nước lũ vào ban đêm lại lên quá nhanh, vượt mọi đỉnh lũ trong lịch sử, đồ đạc dù đã được kê cao vẫn bị sóng xô đổ.

Trong ngày lũ lên đó, cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường đã gần như túc trực 24/24 giờ, cùng với các giáo viên khác kê dọn đồ đạc, nỗ lực cứu vớt phần nào tài sản của nhà trường.

Đêm 18/10, cô Nguyễn Thị Hòa đã cùng với 4 cô giáo khác ở lại thức trắng đêm để kê cao bàn ghế, giường tủ, tài liệu. Tròn 55 năm tuổi đời với 35 năm tuổi nghề, trong ký ức của cô Hòa, chưa có trận lũ nào lịch sử như năm nay.

Cô Hòa chia sẻ: “Đêm hôm lũ về, khoảng 15 cô giáo ở lại trường đến hơn 21 giờ đêm mới lội nước đi về. Tôi và hai cô giáo trong Ban Giám hiệu cùng hai cô nữa ở lại trường. Chúng tôi hầu như không ngủ. Nhìn nước ngày một dâng cao, mấy chị em sức yếu nhưng cũng cố gắng hết sức mình để vận chuyển đồ dùng, tài liệu từ dãy nhà cấp 4 lên tầng 2."

[Photo] Những người thầy gieo chữ ở vùng cao nguyên đá Lục Khu

Trắng đêm ở lại trường, nghĩ đến mẹ già, chồng con và nhà cửa ở nhà không biết xoay sở thế nào trong cơn lũ, nước mắt cô Hòa lại trào dâng. Tuy vậy, với trăn trở, lòng nhiệt huyết của một nhà giáo, cô giáo Hòa đã quyết tâm bằng mọi cách phải bảo vệ tài sản cho nhà trường.

35 năm trong nghề giáo, đã gắn bó với biết bao thế hệ học trò, ấn tượng về một cô hiệu trưởng nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc trong mắt đồng nghiệp trẻ vẫn không thay đổi.

Cô Hoàng Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Thạch Tân chia sẻ: “Cô Hòa không chỉ là một người lãnh đạo mà còn như một người mẹ, người bạn lớn của chị em giáo viên trong trường. Cô là người có chuyên môn cao trong công việc, quan tâm đồng nghiệp và hết lòng yêu thương trẻ, chăm lo cho nhà trường. Hai đợt lũ lịch sử vừa qua, cô Hòa đã có mặt hầu như thường xuyên tại trường để bảo vệ tài sản cho nhà trường. Lũ rút, khi nhà cửa của cô còn ngổn ngang, chưa dọn dẹp, cô đã có mặt ở trường đầu tiên."

Chỉ tay lên những dấu vết còn sót lại của trận lũ lịch sử, cô Hòa cho biết nếu không có sự giúp sức của các lực lượng công an, quân sự, giáo viên các huyện khác và nỗ lực của đội ngũ giáo viên nhà trường lau dọn sau lũ, đến hôm nay có thể học trò vẫn chưa quay lại trường học được.

Giờ đây, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa vẫn mong mỏi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ nhà trường trong việc khắc phục cơ sở vật chất như bàn ghế, đồ dùng để trường sớm ổn định dạy và học.

Giáo viên mầm non dọn dẹp lại trường lớp. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Là ngôi trường nằm trên địa bàn thuần nông ở huyện Thạch Hà, phần lớn phụ huynh đều làm nghề nông hoặc buôn bán nhỏ, trong trận lũ vừa qua, hầu hết các gia đình đều bị ảnh hưởng ngập lụt.

Sau lũ, chứng kiến sự vất vả của các cô giáo, đặc biệt là với tâm huyết của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa khi nỗ lực để sớm đón trẻ quay lại trường, nhiều phụ huynh rất xúc động.

Anh Trần Văn Hòa, thôn Trung Hòa, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi thực sự yên tâm khi cho con theo học tại một ngôi trường đầy tình yêu thương thế này. Các cô giáo đã nỗ lực bám trường, bám lớp trong lũ và khắc phục hậu quả thiên tai để sớm đón học trò quay lại trường để phụ huynh yên tâm dọn dẹp nhà cửa, tái thiết sản xuất sau lũ lụt."

Ngày kỷ niệm nghề của những giáo viên vùng lũ năm nay đến trong sự trầm lặng nhưng ấm áp. Không tổ chức lễ lạt rình rang, những cô giáo ở đây chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ khôi phục lại việc dạy và học sau thiên tai.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tất cả vì trường lớp, vì học sinh thân yêu, họ thực sự xứng đáng là những người "lái đò thầm lặng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục