Đối với xã thuần nông như Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội), việc một anh nông dân làm giàu từ nghề buôn “heo thạch cao” chẳng giống ai vốn đã là sự lạ. Ấy vậy mà, gã thậm chí còn làm được việc “tày trời” có mơ cả làng, cả xã cũng không nghĩ nổi, ấy là đưa hàng nghìn con heo thạch cao... đường đường xuất ngoại sang thị trường Mỹ.
Gã nông dân lạ kỳ ấy là Dương Ngọc Khải, thôn Đường Hồng, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Câu chuyện của Khải cũng là câu chuyện vươn lên thoát nghèo bằng tiểu thủ công nghiệp điển hình của xã Thanh Đa nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung.
Người mang heo giả về làng
Đến xã Thanh Đa hỏi nhà ông “Khải thạch cao” ai cũng biết. Lò heo thạch cao của ông Khải cũng là lò đầu tiên khởi xướng cho nghề mới ở địa phương này.
Tiếp chúng tôi trong khi vẫn đang bận túi bụi với những đơn hàng mới, ông Khải kể lại cơ duyên đưa mình đến với nghề: “Khoảng năm 1996, tôi cùng anh em ra Hà Nội lập nghiệp. Lúc này, chúng tôi làm thuê cho một xưởng thạch cao ở Mai Động.”
Những ngày ấy, gã nông dân Dương Ngọc Khải ngày ngày gò mình ra đổ từng chiếc khuôn, sơn từng tiểu tiết trên các con giống.
Hàng đạt, Khải lại một mình lọ mọ chở hai sọt heo thành phẩm trên chiếc xe đạp cà tàng bán dạo khắp dọc phố phường Hà Nội.
Nhớ về cái thời “chập chững” ấy, gã đàn ông gày nhẳng trước mặt chúng tôi lúc này lại cười rổn rảng. Gã bảo: Có những lúc, chở đầy hàng, bán lại chẳng được bao nhiêu mà lúc về xe lại hỏng. Cả người, cả lợn giống, gà giống… ì ạch đội nắng đẩy nhau về xưởng.
Nhưng chính quãng thời gian làm thuê mưu sinh ấy, trong đầu Khải bắt đầu nảy ra ý định tự đứng ra sản xuất riêng với quy mô nhỏ ở quê nhà Phúc Thọ. Những chuyến bán hàng dọc phố cũng là lúc ông tìm cách bắt mối với các khách hàng quen có tiềm năng. Anh cũng cặm cụi luyện nghề, âm thầm học hỏi để đến năm 2003, Khải chính thức mang theo tài sản lớn nhất là nghề làm heo thạch cao về làng.
Với mối quan hệ sẵn có, xưởng thạch cao của gã nông dân thôn Đường Hồng ngày càng đắt khách. Những con giống, qua bàn tay của những nhân công người địa phương lần lượt có mặt khắp các tỉnh thành phía Bắc.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan một lượt lò, ông chủ Khải chia sẻ: Nghề làm con giống bằng thạch cao không khó, nhưng rất cần sự tỉ mỉ, cẩn thận. Sau khi đổ khuôn, con giống thạch cao sẽ được đưa lên các giàn phơi để đợi khô rồi mới đánh giấy ráp cho bóng, phun màu nền. Ở công đoạn cuối, những công nhân lành nghề nhất sẽ được chọn để phun màu từng họa tiết nhỏ, phủ lớp áo sặc sỡ cuối cùng trước khi xuất xưởng.
“Thông thường, phải mất vài ba ngày để heo thạch cao 'ra chuồng', anh Khải hóm hỉnh nói.
Trong suốt những ngày đợi “heo lớn” ấy, ông chủ đất Thanh Đa phải giám sát chặt từng khâu để đảm bảo sản phẩm không bị rạn nứt, phai màu về sau.
Khải cho biết thêm: Chỉ tính riêng thị trường trong nước, các con giống thạch cao sản xuất ra không sợ bị tồn nhiều. Vào các tháng cao điểm như gần Tết Âm lịch hay 3 tháng đầu năm sau, công nhân làm ngơi tay vẫn không kịp.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình xưởng thạch cao, nhiều người dân xã Thanh Đa đã “khăn gói” sang nhờ “thầy Khải” truyền nghề. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có tới 7 cơ sở sản xuất con giống thạch cao được hình thành. Nhiều hộ như gia đình ông Dương Ngọc Tuấn (thôn…) thậm chí còn xây dựng được nhà cửa khang trang nhờ “heo giả.”
Họ vẫn thường đùa với nhau: Ông Khải chính là “tổ nghề” làm heo thạch cao của cả xã.
Tìm đường cho heo xuất ngoại
Mang nghề làm “heo giả” về làng đã lạ, biến nó thành nghề mũi nhọn của xã Thanh Đa càng lạ hơn. Thế nhưng, gã nông dân Khải thạch cao không dừng lại ở đó. Cùng với sự giúp sức của cậu cháu trai chuyên làm xuất nhập khẩu tại Hà Nội, gã thậm chí còn âm thầm đưa heo thạch cao vượt đại dương, đi nửa vòng Trái Đất sang nước Mỹ xa xôi.
Tháng 3/2015, Dương Ngọc Khải làm “làng thạch cao” miền Bắc nói chung và Thanh Đa nói riêng ngỡ ngàng khi ông xuất được hẳn một container lợn thạch cao sang Tiểu bang Pennsylvania, Mỹ.
Bập bập điếu thuốc, ông Khải kể lại: Vào khoảng đầu năm 2015, anh Dương Ngọc Hưng là cháu trai ông bắt đầu đưa sản phẩm heo thạch cao lên một trang bán hàng quốc tế. Sản phẩm độc đáo từ Thanh Đa ngay lập tức nhận được sự chú ý từ những người bạn ngoại quốc. Một vị khách người Mỹ đã liên hệ với Hưng để đặt vấn đề mua sản phẩm này về để bán tại tiểu bang Pennsylvania.
Trao đổi với chúng tôi, Hưng cho biết thêm: Thời điểm nhận được lời đề nghị, bản thân anh cũng không dám tin đó là sự thật. Thế nhưng, qua quá trình trao đổi thông tin kéo dài tận hai tháng, Hưng và vị khách nọ dần dần đi đến thỏa thuận.
Đơn hàng vào thời điểm tháng 3/2015 do bên Mỹ yêu cầu có số lượng 2.500 chú lợn thạch cao với 7 màu khác nhau khi thành phẩm. Ngay lập tức, cả công xưởng của ông Khải bắt đầu một đợt sản xuất lịch sử.
Ông Khải chia sẻ: “Sản phẩm xuất đi xa nên cũng đòi hỏi chất lượng cao và mẫu mã đẹp. Vì thế, lợn thạch cao xuất sang Mỹ được đúc dày dặn hơn và phun sơn kỹ càng. Để chuẩn bị 2.500 mẫu đó, tôi cùng các nhân công phải mất khoảng một tháng. Thời gian lâu như vậy để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt và có cơ hội quay lại thị trường Mỹ”.
Ngày tiễn “lứa lợn đầu xuất ngoại”, ông Khải vô cùng hồi hộp. Chỉ đến khi, hàng ngàn chú lợn màu vượt đại dương, qua nửa vòng trái đất sang nước bạn, ông mới dám thở phào khi hàng chỉ bị vỡ vài con. Điều khiến ông tự hào nhất là những chú lợn Việt Nam ấy đã và đang được bày trang trọng trong những gian hàng tại Pennslyvania.
Trong thư phản hồi khách hàng Mỹ gửi lại cho anh Dương Ngọc Hưng, vị khách hàng này cho hay: “Chúng tôi rất hài lòng với chất lượng sản phẩm của các bạn. Cuối cùng, cảm ơn bạn cho một chuyến hàng đầu tiên thành công.”
Bức thư này cũng nêu rõ: “Chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực của chúng ta sẽ dẫn đến một mối quan hệ lâu dài, cùng có lợi.”
Chia sẻ thêm, ông Khải tiết lộ: Hiện, ông cùng cháu trai đang tiếp tục quảng bá sản phẩm tới một số khu vực tiềm năng khác ở ngoài biên giới hình chữ S.
Sự hiện diện của bầy lợn thạch cao Việt Nam trên đất Mỹ khiến cho “làng thạch cao” Thanh Đa xôn xao. Nhiều người cũng bắt đầu mơ đến những chuyến xuất ngoại cho lũ heo riêng của mình.
Chủ tịch xã Thanh Đa, ông Nguyễn Văn Mạnh cũng không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới ông Khải Thạch cao: “Hiện nay, cùng với sản xuất đồ gỗ, nghề sản xuất thú giống từ thạch cao đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Việc ông Khải đưa được sản phẩm sang nước bạn là niềm tự hào chung của cả xã, và cũng đã gợi mở một hướng đi mới cho nghề thạch cao Thanh Đa.”