Bị mắc căn bệnh thoái hóa cơ quái ác phải ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài dạy học, dạy viết chữ đẹp miễn phí cho trẻ em. Mọi người luôn trân quý và nhắc đến anh với cái tên "Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng."
Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Lớp học của anh Trường chủ yếu dạy kiến thức cơ bản của tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi ngày có hơn 20 em được phụ huynh gửi nhờ anh kèm học và luyện chữ, chia làm 2 tốp sáng chiều. Dù phải di chuyển trên chiếc xe lăn và đôi bàn tay thì ngày càng yếu dần, anh Trường vẫn miệt mài chỉ tận tình từng em một.
Đặc biệt, lớp học này đã nhiều lần đón các em không may có trí tuệ không tốt, các em mắc chứng tự kỷ… Đến nay, nhiều em đã có thể làm được các phép tính đơn giản.
"Trước tôi đi học thì cầm bút kẹp tay vào các ngón quặp lại, giữ bút được một chút. Đến năm lớp 8 thì tự kẹp bút vào miệng để viết, tuy xấu nhưng mình viết để nhớ. Cứ thế một tháng mình kiên trì tập luyện thì viết được," anh Trường chia sẻ.
Sau thời gian dài luyện tập, anh học được cách dùng hàm là điểm tựa, dùng răng cửa là ngón tay, dùng cổ để đưa những nét bút lên xuống. Nhìn những nét chữ bay bổng, điêu luyện của anh, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng. Tuy nhiên, để viết được chữ đẹp như ngày hôm nay là cả quá trình cố gắng không ngừng nghỉ.
"Để viết đẹp được như bây giờ là mình phải viết nhiều lắm. Ngày nào cũng ngồi soạn các mẫu chữ, các phép toán, cứ thế mỗi ngày cứ lên tay dần dần. Viết bằng miệng phải cúi nhiều, sức khỏe cũng yếu dần đi, mình còn ngồi xe lăn nữa. Ngày trước ngẩng 5cm cách mặt bàn thì trang giấy trắng quá chói mắt, do vậy mình đã cố gắng làm sao ngồi chéo sang một bên để không hại mắt, đến giờ thì đã quen rồi," anh Trường tâm sự.
Hành trình 10 năm ngậm bút dạy chữ
Người thầy giáo kiên cường đã nhiều lần bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình sợ anh vất vả, vẫn hàng ngày kiên trì dạy học, nhắc nhở các em đọc sách để mở mang kiến thức. Đối với anh, tri thức vô cùng quan trọng. Sách, Phật pháp, báo đài là những phương tiện giúp anh giữ đầu óc tỉnh táo, cố gắng kiên trì sống tốt hơn mỗi ngày.
Lớp học của anh Trường như ngôi nhà thứ hai của các em, bởi ngoài việc học kiến thức, các em còn được thầy truyền đạt các bài học về nghị lực, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
[Chàng trai khuyết tật thổi hồn vào các sản phẩm từ tre]
Đôi tay mân mê chiếc bút chì đã cũ, anh Trường tâm sự: “Tuy mình không đưa tay các cháu theo từng nét một nhưng mình viết mẫu các nét rồi các cháu sao theo mình, đẹp nhất có thể thì các cháu viết theo. Tôi cố gắng làm gương cho các cháu, cố gắng để viết đẹp hơn mỗi ngày. Tôi cũng không muốn phụ lòng các cháu và bố mẹ gửi các cháu đến đây. 10 năm rồi, các cháu để mình nhớ mãi, có cháu nói còn không rõ mà mình dạy cháu rồi cháu nói được và làm được vài phép tính toán, bản thân vô cùng xúc động."
Em Nguyễn Thùy Anh, đã học ở lớp học của thầy Trường hơn hai năm, bẽn lẽn: "Ở đây vui lắm ạ, chúng con vừa được ôn lại kiến thức ở trường, vừa được rèn viết chữ đẹp, còn có bạn bè rất vui. Thầy luôn dịu dàng, kiên nhẫn với bọn con, bọn con muốn đến đây học mỗi ngày."
Lớp học toán, viết chữ đẹp của anh Trường đã được 10 năm, những người dân thôn Nhân Lý đều tin tưởng và trân trọng giao con cái của mình cho anh dạy dỗ.
May mắn sinh ra trong gia đình được ông bà bố mẹ yêu thương, anh Trường luôn tự nhủ phải sống thật có ích cho gia đình, cho xã hội. Giờ đây, khi đồng hành cùng anh là người vợ và đứa con trai nhỏ bé, anh càng thêm kiên cường.
"Các cháu đến tíu tít cả ngày, nhoằng cái hết một buổi, có khi mình quên là bị bệnh tật, sống lạc quan hơn. Tuy mình kém may mắn nhưng hằng ngày các cháu đến học, đến mượn sách thì thấy hạnh phúc lắm, không tự ti nữa mà lạc quan sống. Số phận mình bất hạnh mà các cháu vẫn đến để học tức là mình đã sống không vô nghĩa, đã sống có ích cho cuộc đời," anh Trường chia sẻ.
Không chỉ dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, anh cùng một số người bạn đã mở thư viện Hallo Word, vận động các nguồn sách từ thiện, tạo không gian đọc sách lành mạnh cho các em đồng thời tổ chức các hoạt động thiện nguyện “Tết ấm yêu thương," mở lớp học tiếng Anh, kêu gọi ủng hộ gói bánh, trao quà cho các em nhân các dịp lễ tết của thiếu nhi...
Hằng ngày, căn nhà nhỏ của anh Trường không ngớt tiếng đọc bài, làm toán, tiếng ríu rít nói cười. Với anh, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là sống lạc quan, vui vẻ mỗi ngày bên gia đình, bên các em nhỏ nơi đây./.