Những bữa trưa được bắt đầu lúc 14 giờ hay bữa tối lúc 22 giờ đã trở thành giờ ăn bình thường của những cán bộ dịch tễ/y tế dự phòng. Một chiếc ghế bên hành lang, chiếc bàn cũng trở thành điểm tựa để họ thiếp đi một vài phút nghỉ ngơi trước khi tiếp tục đội mưa rét truy vết, lập danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, lấy mẫu để xét nghiệm.
Chàng bác sỹ 8X Trần Anh Tú (sinh năm 1989) - Cán bộ dịch tễ, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chia sẻ về công việc của mình và các đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 suốt hơn 1 năm qua.
Tú bảo, việc điều tra, truy vết ở mỗi ổ dịch lại có những khó khăn khác nhau nhưng nhờ có đó, anh và đồng nghiệp lại có thêm những kinh nghiệm để công tác chống dịch được hoàn thiện hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch chưa có điểm dừng. Và, rõ ràng khi sóng càng lớn, đê đắp phải càng cao...
“Biệt đội” dịch tễ
Hơn một năm qua, đại dịch COVID-19 là nỗi ám ảnh trên toàn cầu. Ít ai biết rằng, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, trong thời gian ngắn nhất, một kịch bản ứng phó nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra được dựng lên bởi một “đội quân” thầm lặng. Thậm chí, họ còn đón đầu, lên kế hoạch tác chiến cho mọi tình huống ngay từ khi dịch mới chỉ bùng phát ở Vũ Hán. Họ là những chiến sỹ y tế dự phòng, vệ sinh dịch tễ ở khắp mọi miền của đất nước.
Bác sỹ Trần Anh Tú là một trong những người được tham gia vào tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế tại các ổ dịch COVID-19 ở nhiều địa phương. Tổ công tác của anh là những người trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, chàng bác sỹ 8X đã tham gia chống dịch tại 4 ổ dịch COVID-19 trọng điểm: Xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), thành phố Đà Nẵng và giờ là tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, Tú còn tham gia công tác truy vết những hành khách dương tính trên các chuyến bay hồi tháng 3/2020. Nhiệm vụ của những bác sỹ về dịch tễ ngoài vấn đề chuyên môn khoanh vùng cách ly y tế còn phải lo vấn đề an sinh, an ninh y tế.
Gần đây nhất, Tú đang trong tâm dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương. Đã 1 tháng nay anh cùng những người đồng nghiệp của mình từ tuyến Trung ương được cử về “nằm vùng” tại tâm dịch Hải Dương để tiến hành truy vết… Tú bảo, đây cũng là đợt chinh chiến dài nhất từ đầu mùa dịch đến nay.
“Ổ dịch Sơn Lôi là kinh nghiệm lần đầu tiên chúng tôi thực hiện việc điều tra dịch tễ và phong toả thành công, ổ dịch Hạ Lôi là “cửa ngõ” được bảo vệ thành công để giữ an toàn cho Hà Nội. Ổ dịch tại Đà Nẵng là một trận địa khủng khiếp khi trận chiến trong các bệnh viện khốc liệt, công tác truy vết được tiến hành trên toàn thành phố thần tốc nhất có thể. Trong khi đó, ổ dịch Hải Dương thì đã gần 30 ngày, chúng tôi vẫn đang làm việc miệt mài ngày đêm với công suất hơn cả 100%...” bác sỹ Tú trải lòng.
Theo lời Tú, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống của “biệt đội dịch tễ” vô cùng bận rộn và đảo lộn. Họ sẵn sàng làm việc xuyên ngày đêm với tinh thần quyết tâm ngăn chặn không để dịch lan rộng. Những cán bộ y tế dịch tễ và dự phòng gõ cửa từng nhà, đi từng ngõ xóm để điều tra dịch.
Bác sỹ Tú kể, ở những khu vực cách ly, nơi có bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, những người làm dịch tễ đã tiến hành các hoạt động giám sát, điều tra, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ các nguồn để phát hiện những nguy cơ xung quanh người nhiễm bệnh đều được thực hiện một cách gấp rút.
Ngoài những lúc đi thực địa, anh và đồng nghiệp ngày ngày thường trực bên chiếc máy tính với công việc giám sát, truy vết để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm...
Sẵn sàng vào điểm nóng
Tú bảo rằng hơn một năm qua, anh và đồng nghiệp lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng vào vùng dịch. Tâm thế sẵn sàng, bác sỹ cũng như là những người lính xung trận, lúc nào cũng phải đi trước một bước, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Nhớ lại những ngày đầu trong đợt dịch thứ ba bùng phát tại Hải Dương, bác sỹ Tú cho hay, ngày 27/1, khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận cũng là thời điểm anh nhận lệnh tiếp tục lên đường vào vùng dịch.
Ngày 28/1, khoác chiếc ba lô đựng vật dụng cá nhân và chiếc máy tính để phân tích dữ liệu, Tú hăng hái lên đường vào tâm dịch. Ít ai ngờ rằng trận địa dịch COVID-19 tại Hải Dương những ngày sau đó khiến không ít người choáng ngợp, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh chưa từng thấy...
Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông tin, để chuẩn bị đón 1 chuyến bay giải cứu vài trăm người, nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp với nhau chuẩn bị phải mất vài tuần mới đón và cách ly được 200-300 người. Trong khi đó, ở thành phố Chí Linh chỉ trong 24 giờ phải xử lý cách ly khẩn cấp cho hơn 2.300 công nhân để thực hiện việc khóa chặt ổ dịch thì không phải là đơn giản. Năng lực của 1 thành phố tương đương cấp huyện trong 1 đêm phải di chuyển vài nghìn công nhân đến địa điểm cách ly tập trung an toàn, không gây mất trật tự an ninh, là một nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng.
Bác sỹ Tú cho hay, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ lây lan nhanh. Nhưng cũng có may mắn là dịch chưa xâm nhập vào bệnh viện nên chưa có trường hợp nào tử vong như Đà Nẵng.
Chính vì vậy, công tác y tế/dịch tễ đối mặt với vô cùng khó khăn để giám sát phát hiện ra ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh. Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35%-40%.
Theo bác sỹ Tú, hai ổ dịch Đà Nẵng và Hải Dương đều có điểm chung là nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Chính vì vậy, những cán bộ dịch tễ tại hai nơi này phải làm việc hết sức vất vả và hầu như trên 100% khả năng của họ.
Với tác nhân là chủng mới lây lan rất nhanh so với các ổ dịch trước đó, ổ dịch ở Hải Dương gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chống dịch. Tuy vậy, với tiêu chí an toàn tuyệt đối cho cán bộ y tế và các lực lượng tham gia phòng chống dịch, công tác phòng hộ luôn được ưu tiên hàng đầu. Do đó, “đội quân” tham gia chống dịch rất yên tâm và vững vàng khi công tác tại thực địa.
“Về mặt dịch tễ học, các bác sỹ phải điều tra thông tin của tất cả các ca bệnh. Từ những thông tin dịch tễ bao gồm người bệnh tiếp xúc với ai, đi những đâu, làm những gì..., chúng tôi đưa ra quyết định về khu vực cần phải cách ly,” bác sỹ Tú cho biết.
Bác sỹ Tú bảo, phó giáo sư Trần Như Dương - người thủ lĩnh của Viện dẫn đầu đoàn trong các vụ dịch vẫn luôn quán triệt anh em, ở mọi ổ dịch, khâu quan trọng nhất ở các vùng dịch đó là việc xác định các mốc dịch tễ.
“Mốc dịch tễ” chính là những địa điểm/những sự kiện mà bệnh nhân đã đến, đã tham dự trong thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế (ví dụ các mốc dịch tễ hay gặp tại thực địa là đám cưới, đám ma, chợ, quán ăn, lễ hội, bệnh viện, cơ quan, công sở …). Truy các mốc dịch tễ rồi từ đó truy ra từng F1, nếu bị bỏ quên mốc dịch tễ thì có nghĩa là rất nhiều F1 sẽ bị bỏ sót.
Bác sỹ Tú kể, về cơ bản, hầu hết mọi người đều ủng hộ và phối hợp rất tốt với nhân viên y tế khi được phỏng vấn điều tra thông tin dịch tễ. Tuy nhiên, đôi khi họ vẫn gặp một vài trường hợp “khoai,” chưa thực sự hợp tác. Những lúc như vậy, khả năng điều tra dịch tễ cũng như kinh nghiệm nắm bắt tâm lý của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc lấy thông tin.
“Tôi nghĩ đó là khó khăn nhưng cũng là thử thách thú vị trong nghề của mình và khi vượt qua được tôi thấy mình trưởng thành trong nghề nghiệp,” Tú trải lòng.
“Trận chiến” chưa từng có
Nhớ về Sơn Lôi - trận địa COVID-19 đầu tiên, bác sỹ Trần Anh Tú bảo rằng đây là một cuộc chiến vô cùng cam go, là phép thử tiên quyết dẫn tới những thắng lợi nối tiếp trong cuộc chiến chống lại đại dịch này.
“Tôi tham gia vào Tổ công tác chống dịch COVID-19 tại ổ dịch Sơn Lôi, nhiệm vụ là khoanh vùng cách ly y tế hơn 10.000 người dân trong vòng 21 ngày. Thật sự đây là việc không hề đơn giản bởi theo lời những người đi trước thì điều này chưa bao giờ xảy ra trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam,” bác sỹ Tú cho hay.
Khác với những ổ dịch thông thường chỉ thuần chuyên môn, sử dụng các biện pháp y tế để có thể chống dịch, dập dịch..., tại các ổ dịch COVID-19, cán bộ dịch tễ còn phải lo vấn đề an sinh, an ninh y tế, các vấn đề liên quan tới sức khỏe khác... của người dân.
Một trong những kỷ niệm nhớ nhất với bác sỹ Trần Anh Tú đó là trường hợp 1 em bé tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) bị mắc bệnh mạn tính điều trị thuốc tại nhà. Trong thời gian cách ly, em bé bị hết thuốc và không thể tìm mua được loại thuốc đặc trị này ở xã Sơn Lôi và phải tái khám trong khi việc đưa em bé ra khỏi khu vực cách ly là rất mạo hiểm. Vì vậy tổ công tác phải nghĩ cách kết nối trực tuyến với Bệnh viện Nhi Trung ương để chẩn đoán trực tuyến từ xa và đưa ra phác đồ điều trị cho bé. Sau 1 ngày, Tổ công tác đã lấy được thuốc cung cấp cho em bé để tiếp tục điều trị.
Bác sỹ Tú bảo rằng hơn một năm qua, để chống lại dịch COVID-19 trên toàn quốc, lực lượng y học dự phòng tại các cửa khẩu đã phải huy động cán bộ kiểm dịch y tế tại nhiều cửa khẩu khác nhau như hàng không, đường bộ, đường biển, đường sắt...
Tại cơ sở, cán bộ y tế phải đến từng địa chỉ, thậm chí phải đi trong đêm vì nếu không kịp sợ hành khách di chuyển tới điểm khác và có thể không thực hiện cách ly kịp thời... Vất vả là thế, nhưng không ai nản lòng vì xác định rõ trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của họ.
Rõ ràng, các cán bộ kiểm dịch/dịch tễ như là những tấm khiên, lá chắn trước dịch bệnh. Họ là những người đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm...
Bác sỹ Tú nhấn mạnh, truyền thống của ngành y tế dự phòng đã từng chiến thắng dịch bệnh SARS năm 2003, dịch bệnh cúm H1N1 năm 2009 và giờ đây, không có lý do gì Việt Nam không kiểm soát được được COVID-19.
Tú bảo, nếu có một điều ước, anh chỉ mong sớm có biện pháp phòng, trị bệnh đặc hiệu để có thể sớm đưa cộng đồng trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được ước mơ đó, mỗi người cần phải thực hiện tốt công tác dự phòng theo khẩu hiệu 5K. Có như vậy mới có thể kéo dài thời gian chung sống an toàn với dịch COVID-19 đến khi có đủ vắcxin cũng như xây dựng được phác đồ điều trị đặc hiệu.../.