Để hoạt động trong lòng địch, chàng chiến sỹ quân y 20 tuổi Huỳnh Văn Thắng đã giả làm con gái và trở thành một thành viên của tổ chức tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, từ đó thu thập được nhiều tin tức quan trọng cung cấp cho cách mạng.
Năm 17 tuổi, ông Huỳnh Văn Thắng (sinh năm 1951) ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai trở thành chiến sỹ quân y. Sang tuổi 18 tuổi, ông thành “nhà buôn” xâm nhập vào chốn đông người lấy tin tức của Mỹ, ngụy.
Để hoạt động có hiệu quả hơn, năm 20 tuổi, ông Thắng giả làm con gái và đổi tên là Huỳnh Thị Thanh để hoạt động trong lòng địch. Từ đó, Huỳnh Thị Thanh là một thành viên của tổ chức “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” (tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được CIA huấn luyện).
Những năm tháng chung sống với kẻ thù, với sự thông minh và ý chí cách mạng, Huỳnh Văn Thắng - "nữ thám báo" Thiên Nga Phụng Hoàng Huỳnh Thị Thanh đã vượt qua nhiều cửa tử, khai thác được nhiều tin tức có giá trị cung cấp cho cách mạng.
Giờ đây, đã ở tuổi 64, nhưng khi tiếp xúc với phóng viên, trong lời nói, cử chỉ của ông Huỳnh Văn Thắng vẫn toát lên sự trẻ trung, thanh thoát, nhẹ nhàng.
Việc giả gái làm tình báo đối với ông Thắng, ngoài nhiệm vụ còn có cơ duyên, bởi tuy là nam giới nhưng từ khi sinh ra đến năm 1975, ông Thắng chỉ mặc áo bà ba, quần lụa của nữ.
Ông nhập vai xuất sắc khiến con trai của Tỉnh trưởng Bến Tre lúc đó đã ngỏ lời cầu hôn. 10 năm sau ngày giải phóng, Chính phủ Mỹ vẫn không nhận ra thân thế thật sự của ông, thậm chí còn gửi thông báo bảo lãnh cho Huỳnh Thị Thanh sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO.
Việc đóng giả nữ giới để hoạt động trong lòng địch với ông Thắng là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, lên 10 tuổi, ông Thắng đã gánh trái cây, bánh chuối, bánh bò rao bán trên các bến sông, khu chợ.
Năm 16 tuổi, ông được cơ sở cách mạng cử đi học ngành y, một năm sau, ông trở thành chiến sỹ quân y.
Năm 1969, cách mạng miền Nam có bước phát triển mới, quân và dân ta liên tiếp tổ chức các đợt phục kích tại những vị trí địch chiếm đóng, nhưng do đánh phục kích nên ta không nắm được tổn thất cụ thể của phía địch.
Năm 1969-1970, ông Thắng được giao làm nhiệm vụ quân báo. Hàng ngày, ông đem chuối, các loại bánh đến chợ Bến Tre và các khu đông người bán để nghe ngóng, tìm hiểu tin tức, nắm thiệt hại của Mỹ, ngụy.
Trong thời gian này, tổ chức “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” hoạt động mạnh. Chúng không ngừng cài tình báo, mật thám vào các cơ sở của ta, giết hại nhiều chiến sỹ quân Giải phóng.
Với sự tham gia của cố vấn Mỹ, tổ chức thám báo này có 2 ban (nam và nữ), ban nữ chỉ tuyển chọn những cô gái tuổi từ 18-25, có ngoại hình đẹp, thông minh, giỏi giao tiếp; họ điều tra lý lý lịch rất kỹ lưỡng.
Ty Công an tỉnh Bến Tre đã dùng nhiều biện pháp nhằm xâm nhập, triệt phá tổ chức này nhưng hiệu quả mang lại không cao. Phương án cài người của ta vào tổ chức Thiên Nga Phụng Hoàng để nắm tình hình, tìm ra những tên thám báo nằm vùng hoặc ẩn trong các tổ chức kháng chiến được ta đưa ra nhưng một thời gian dài Ty Công an Bến Tre không tìm được người đủ tiêu chuẩn.
Ông Thắng lý giải: “Vì giọng nói của tôi nhỏ nhẹ, dáng người "duyên dáng," ở cổ cũng không có cục "trái khế" mà đàn ông thường có nên tổ chức đã lựa chọn tôi tham gia Thiên Nga Phụng Hoàng. Tôi dành 6 tháng để biến mình thành nữ giới. Trong thời gian này, tôi tắm, gội đầu bằng nước hương nhu, lá sả, bồ kết. Mẹ tôi cũng dạy cách đi, dáng đứng, thế ngồi của con gái; mẹ may quần lót, áo ngực để tôi mặc. Tôi phải tiêm thuốc để làm teo bộ phận sinh dục của mình. Trước khi tiêm tôi đã thuyết phục mẹ, bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều bởi bác sỹ khẳng định sau khi tiêm thuốc, tôi có khả năng không thể lấy vợ, sinh con.”
Sau một thời gian tìm cách tiếp cận, ngày 1/1/1971, ông Thắng với mật danh F5 (do tổ chức của ta đặt) chính thức trở thành người của tổ chức Thiên Nga Phụng Hoàng với cái tên Huỳnh Thị Thanh.
Ông kể: “Để vào được tổ chức này, tôi phải làm quen với vợ của Trung úy Mười Râu – người phụ trách lực lượng Thiên Nga Phụng Hoàng. Vợ Mười Râu đồng ý giới thiệu tôi vào làm nhưng buộc tôi phải nộp 7 cây vàng. Cách mạng đang trong giai đoạn khó khăn, gia đình tôi đã vay mượn để nộp đủ số vàng này."
Hoạt động trong Thiên Nga Phụng Hoàng, Thanh hàng ngày phải báo cáo với địch về tình hình hoạt động của quân Giải phóng. Để lấy lòng tin của ngụy quyền, người tình báo giả gái này cùng lực lượng cách mạng đã làm trận giả; tin tức ông Thắng đem về cho địch có tính chính xác rất cao, song nhờ có sự dàn dựng cẩn thận nên dù địch phát hiện được quân Giải phóng nhưng chưa bao giờ chúng tiêu diệt được người lính của ta.
Được tên Mười Râu tin tưởng nên Thanh nắm được nhiều tin tức quan trọng, trong đó có những lần kế hoạch tấn công vào cơ sở địch của quân Giải phóng bị bại lộ, Thanh đã kịp thông tin giúp ta chỉnh kế hoạch.
Giữa năm 1973, nhiều chiến sỹ giải phóng của huyện Mỏ Cày bị địch bắt, giết hại, nguyên nhân do trong cơ sở cách mạng có thám báo ban nam của Thiên Nga Phụng Hoàng nằm vùng.
Để vạch mặt những thám báo nằm vùng gây nguy hại cho cách mạng, ngày ngày, Huỳnh Thị Thanh tỉ tê với vợ Mười Râu, nhờ bà này giới thiệu, làm quen với những thám báo ban nam nằm vùng "tài giỏi" kia.
Sau một thời gian, Thanh đã có trong tay 2 tấm hình của 2 kẻ nằm vùng là Nguyễn Văn Tư (tổ chức Cảnh sát đặc biệt Bến Tre) và Phạm Văn Hương (nhân viên tình báo Tiểu khu Mỏ Cày). Sau đó, hai tên thám báo này đã bị tiêu diệt.
Trong những năm sống trong lòng địch, Huỳnh Thị Thanh lọt vào “mắt xanh” của Nguyễn Minh Lộc, con trai Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre. Lộc thậm chí đã ngỏ lời cầu hôn với Thanh. Đứng trước nguy cơ bị lộ, đối diện cái chết, tổ chức đã bàn phương án đưa Huỳnh Thị Thanh về miền Đông Nam Bộ hoạt động, song khi Thanh chuẩn bị rời Bến Tre thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.
Sau giải phóng, ông Thắng tiêm thuốc để trở về giới tính thật của mình và đã lập gia đình, có 4 người con. Cuộc sống khó khăn nên năm 1995, gia đình ông lên xã Bắc Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai) sinh sống.
Sau 20 năm ở Đồng Nai, từ hai bàn tay trắng, nay gia đình ông Thắng đã có trang trại nuôi lợn, cá, trồng cây ăn trái với diện tích 14ha; thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Năm 2010, trang trại của ông được Hội làm vườn Việt Nam bình chọn là “Trang trại Vàng Việt Nam.” Ông còn tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện. Mỗi năm, ông đóng góp 100 triệu đồng để xây nhà, tặng quà cho người nghèo.
Ông Huỳnh Văn Thắng tâm sự: Những năm sống trong lòng địch, gặp nhiều hiểm nguy nhưng ông vẫn vượt qua được. Vì vậy, nay trong hòa bình, ông không thể để cái nghèo khuất phục./.