Chuyện về chiếc bồn cầu “tự rửa” của người Nhật

Các vị khách tới Nhật đã kinh ngạc trước những chiếc bồn cầu có khả năng sưởi ấm chỗ ngồi, phun nước vệ sinh cho người sử dụng.
Trong đất nước bị ám ảnh bởi công nghệ và vấn đề vệ sinh như Nhật Bản, các bồn cầu công nghệ cao xuất hiện trong hơn 2/3 các hộ gia đình ở đây. Các vị khách tới Nhật đã kinh ngạc trước những chiếc bồn cầu có khả năng sưởi ấm chỗ ngồi, phun nước vệ sinh cho người sử dụng và khử mùi.

Chiếc bồn cầu tự động nổi tiếng của người Nhật (Nguồn: AFP)
Nhưng với công ty đã bán hơn 30 triệu chiếc bồn cầu công nghệ cao, được biết tới với tên Washlet ở đây, việc chiếm lĩnh thị trường quốc tế vẫn là bài toán khó, đặc biệt là trong nhóm người tiêu dùng Mỹ. "Nguyên nhân là vì nói chuyện về bồn cầu vẫn là một chủ đề cấm kỵ trong văn hóa" - Hiromichi Tabata, lãnh đạo đơn vị quốc tế ở TOTO, nơi sản xuất ra Washlet bên cạnh nhiều thiết bị gia đình khác như bồn tắm, chậu rửa, vòi nước... Ông nói rằng người Mỹ không thích nói chuyện về những chuyện liên quan tới bồn cầu nên TOTO sẽ không thể thành công từ việc tuyên truyền miệng, dù rằng chính người Mỹ cũng công nhận sản phẩm của họ là tuyệt hảo. "Nhiều người nổi tiếng nói rằng họ yêu thích Washlet khi thăm Nhật Bản. Nhưng cơn sốt đó chỉ mang tính tạm thời" - ông cho biết. Diva pop Madonna từng bị thổ lộ nhiều tình cảm với văn hóa Nhật Bản trong chuyến lưu diễn 2005 và chỉ vào Washlet như một tác nhân chính. Cô nói rằng "tôi rất nhớ những chiếc bồn cầu có thể tự sưởi ấm" - và đó là dạng tiếp thị miễn phí mà phần lớn các công ty mơ ước. Nhưng trong một đất nước đã nổi tiếng toàn cầu bằng các thương hiệu như Sony và Toyota, Washlet lại không hiện diện nhiều ở bên ngoài Nhật và điều này gây ngạc nhiên cho các du khách nước ngoài, những người đã từng "choáng" khi tới Nhật và sử dụng chúng. Tại Nhật Bản, nơi người ta mê mẩn công nghệ và vấn đề vệ sinh, các bồn cầu này còn được lắp đặt trong nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh văn phòng và hơn 70% các hộ gia đình. "Chúng tôi nghĩ rằng người Nhật Bản, vốn rất sạch sẽ, sẽ thích ý tưởng của Washlet" - phát ngôn viên TOTO Atsuko Kuno nói. Nhưng khi xuất hiện trên thị trường vào năm 1980, các bồn cầu công nghệ cao này đã không lập tức thành công. Một số khán giả xem truyền hình trong năm 1982 đã tỏ ra khó chịu khi xem đoạn quảng cáo có cảnh một cô gái đang cố lau sơn đen khỏi tay và trong quá trình đó đã khiến sơn dính lem nhem thêm. "Giấy không lau sạch vết bẩn" - cô gái nói với các khán giả - "Điều tương tự cũng xảy ra với mông của các quý vị." Nhưng sau rốt, chiến lược tiếp thị gây sốc này đã khiến dân Nhật phải suy nghĩ nghiêm túc và bắt đầu sử dụng bồn cầu công nghệ cao. Các chức năng của Washlet, vốn được liệt kê trong một bảng điều khiển tích hợp với hình ảnh minh họa, gồm sử dụng nước áp lực để vệ sinh sau khi đại tiện, kiểm soát nhiệt độ, sấy nóng phần mông và phát nhạc để người dùng thấy thư giãn. Các chức năng khác gồm việc phát ra âm thanh xả bồn cầu để giấu đi tiếng trung tiện - một điểm cộng lớn trong nhóm các khác hàng dễ xấu hổ. Ngoài ra một số mẫu còn trang bị phần nắp đậy tự động mở lên khi người dùng vào phòng vệ sinh. Hoạt động làm ăn tiếp tục diễn ra tốt đẹp cho nhà sản xuất bồn cầu này, với các đối thủ cạnh tranh trong thị trường nội địa gồm có Tập đoàn Lixil. Trong năm tài chính tính tới tháng 3/2012, TOTO đã báo cáo lợi nhuận ròng 9,27 tỉ yen (114 triệu USD) trên doanh số toàn cầu là 452,7 tỉ yen, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ có 14% doanh thu tới từ việc bán hàng ở nước ngoài. Theo Tabata, dù có những thách thức trong việc vươn tới các khách hàng nước ngoài, chiếm lĩnh thị trường khách sạn đã đạt được thành công nhất định. Một số nước Đông Á và Trung Quốc cũng bắt đầu tăng nhu cầu sử dụng bồn cầu thông minh vì họ có các đặc điểm văn hóa giống với Nhật Bản.

Chiếc bồn cầu thân thiện với môi trường Neorest (Nguồn: AFP)
Địa phương hóa các sản phẩm cũng là một yếu tố chủ chốt để thành công. Washlet bán tại các thị trường nhiệt đới nóng ẩm như Indonesia không có ghế sưởi và nước rửa đã được làm ấm lên giống như ở các vùng đất có khí hậu lạnh hơn. Dù Washlet có mức giá tương đối đắt đỏ, với chiếc rẻ nhất cũng lên tới 900 USD, các lãnh đạo TOTO vẫn cho rằng thị trường châu Âu là điểm đầu tư triển vọng, đặc biệt là khi một công ty ở Thụy Sĩ cũng đang bán một sản phẩm tương tự. "Chúng tôi kỳ vọng châu Âu sẽ quen dần với ý tưởng một chiếc bồn cầu có chỗ ngồi tự làm ấm và có trang bị nước ấm để vệ sinh" - Tabata dự báo./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục