Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến trong phòng chống dịch.
Thủ tướng chỉ đạo, đối với những công nghệ đang phát huy hiệu quả phòng, chống dịch, cần thay đổi, chuyển từ phương thức khuyến khích tự nguyện sang bắt buộc cài đặt một số ứng dụng cơ bản.
Như vậy, Việt Nam sẽ chuyển từ “phòng ngừa” sang “tấn công” phòng dịch COVID-19 bằng những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại "Make in Vietnam."
Chủ động "tấn công" để phòng dịch
Hiện nay, có 3 mũi “tấn công” phòng chống dịch COVID-19: Tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện chiến lược vaccine và ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết. Trong đó, việc sử dụng công nghệ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đang phát huy hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, cách tiếp cận mới theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công.
Trước đây, các ứng dụng khai báo y tế phòng, chống dịch, hỗ trợ truy vết chỉ khuyến cáo người dân sử dụng thì đến nay sẽ sẽ chuyển thành bắt buộc.
Thứ hai, các nguồn dữ liệu chống dịch phải được tập trung vào một đầu mối xử lý.
Trước đây, do người dân khai báo qua các ứng dụng khác nhau, nên dữ liệu bị phân tán. Nay dữ liệu phải được tập trung để có thể áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thực hiện phân tích để cho ra kết quả theo yêu cầu.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) cho biết, đối với khai báo y tế toàn dân, người dân có thể khai báo qua 3 ứng dụng là NCOVI, Bluezone và Vietnam Health Declaration.
Dữ liệu khai báo từ các ứng dụng này hiện đang được lưu trữ tại 2 nơi khác nhau.
[Mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch]
Cụ thể, Vietnam Health Declaration là phần mềm của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nên dữ liệu khai báo được được lưu tại Viettel.
Dữ liệu khai báo của người dân trên Bluezone (của Tập đoàn công nghệ BKAV) và NCOVI (của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT) được lưu tập trung tại Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông). Sau khi được thu thập, dữ liệu về bản khai y tế sẽ được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại các tỉnh, cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền.
Dữ liệu này được sử dụng để kiểm soát, phân tích và phục vụ công tác truy vết các ca bệnh.
Hiện nay, nhiều đơn vị hiện vẫn sử dụng song song khai báo giấy và khai báo điện tử. Trước thực trạng dữ liệu bản khai y tế vẫn còn phân tán, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đang làm việc với các đơn vị để thúc đẩy liên thông dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu khai báo y tế tập trung, liên thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng."
Bộ giải pháp này bao gồm Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm COVID-19), NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR) và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn COVID-19.
Tính đến ngày 25/5, cả nước đã có 9 tỉnh, thành phố thực hiện phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 (có tên gọi là CovidMaps).
Bản đồ này cho phép theo dõi tình hình dịch theo thời gian thực ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên và Lạng Sơn. Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 (CovidMaps) giúp cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng Internet, chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch.
Bắt buộc sử dụng để bảo vệ bản thân, cộng đồng
Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến 17 giờ ngày 26/5, tổng số lượt tải ứng dụng Bluzone là hơn 33,3 triệu lượt, tăng hơn 157.000 so với ngày 25/5.
Theo thông tin trong tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng," nếu 60% người trưởng thành cài đặt ứng dụng Bluezone trong điện thoại, thì số liệu báo cáo về các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc với người bị COVID-19 sẽ đạt mức chính xác gần như tuyệt đối.
Như vậy, mọi ứng dụng công nghệ muốn phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch đều cần sự chung tay sử dụng, tự nguyện kê khai chính xác thông tin của người dân.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, việc cài đặt và sử dụng ứng dụng sẽ thành yêu cầu bắt buộc, như việc đeo khẩu trang.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất những người làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bắt buộc phải cài đặt ứng dụng Bluezone và ứng dụng khai báo y tế NCOVI.
Tại các địa điểm công cộng, các cơ quan công sở cần phải quét mã QR Code để có thể tập hợp dữ liệu số trên Hệ thống ghi nhận việc đến hoặc đi tại các địa điểm công cộng.
Ngoài ra, bất cứ người dân nào khi đến các nơi tụ tập đông người cần cài đặt ứng dụng Bluezone, để có thể phát hiện tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (đã có số liệu lưu trữ trên hệ thống).
Những người thuộc diện giám sát, cách ly y tế phải khai báo thông tin bắt buộc trên ứng dụng. Việc bắt buộc này cũng đòi hỏi ý thức của cộng đồng không chỉ cài ứng dụng vào thiết bị di động mà phải bật kết nối để ứng dụng hoạt động.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, việc sử dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến những nơi công cộng, khi tiếp xúc đông người giúp sẽ người dân bảo vệ bản thân, cộng đồng, đồng thời giúp ích cho việc khoanh vùng dập dịch, truy vết được nhanh chóng.
Khi phát hiện bệnh nhân COVID-19, chỉ những người có nguy cơ cao bị cách ly tập trung thay vì cách ly tất cả mọi người liên quan.
Ngoài ra, việc phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh này giúp các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công thông tin vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3440/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung xét đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối camera giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với các phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện chuyển giao để Bộ Y tế triển khai áp dụng.
Bộ Y tế căn cứ thực tiễn chống dịch, đề xuất các vấn đề, yêu cầu cụ thể về việc cần có công cụ công nghệ thông tin như thế nào để phòng dịch.
Đây là cơ sở, “bài toán” để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin tổ chức xây dựng giải pháp công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đối với các phần mềm, giải pháp công nghệ do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc các doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ động đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi với Bộ Y tế để thống nhất áp dụng.
Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ nêu ở các điểm trên trong toàn hệ thống, trên phạm vi cả nước, đặc biệt đối với các giải pháp bắt buộc áp dụng đối với tổ chức, cá nhân để tăng cường hiệu quả cũng cần được các cơ quan chức năng xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành, kiểm tra, các mức xử phạt vi phạm cũng cần được quy định cụ thể, rõ ràng để khuyến khích người dân chủ động sử dụng ứng dụng bắt buộc, những cũng xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch./.