Chuyển thành công thanh toán thuốc lao sang nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế

Việt Nam có số ca nhiễm lao đang điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế rất quan trọng.

Bác sỹ tư vấn cho người dân về bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ tư vấn cho người dân về bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong năm nay, Chương trình Chống lao Quốc gia đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.

Thông tin trên được Chương trình Chống lao Quốc gia đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024, diễn ra ngày 22/12.

40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất Thế giới.

Số người tử vong do bệnh lao mỗi năm ở Việt Nam vẫn là một con số rất cao, thậm chí cao hơn so với những trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông.

Phó giáo sư Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phân tích cũng giống như các quốc gia trên Thế giới, hoạt động phòng chống lao tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Số ca phát hiện lao ở Việt Nam năm 2020-2021 giảm mạnh. Năm 2022, số bệnh nhân lao mới, tái phát, và phát hiện trên toàn cầu đạt 7,5 triệu ca - con số cao nhất từ trước đến nay.

"Điều đáng lo ngại là mỗi năm Việt Nam có hơn 170.000 ca mắc lao nhưng chỉ đưa vào điều trị và báo cáo khoảng 100.000 người. Như vậy có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc báo cáo vẫn ở trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh," Phó giáo sư Nguyễn Bình Hòa nhấn mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam có số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng.

Các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở

Tiến sỹ Đinh Văn Lượng cho hay năm 2023 là năm quan trọng của Chương trình Chống lao Quốc gia, đánh dấu việc đã đi được một nửa chặng đường triển khai Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2021-2025. Chương trình Chống lao Quốc gia ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà Chương trình Chống lao các tỉnh/thành phố đã đạt được trong năm 2023.

tien-sy-luong-4119.jpg

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc bệnh lao mới và 11.000 người chết vì bệnh lao.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục có sự cải thiện đáng kể sau khi phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của Chương trình. Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao kết hợp nhiều hình thức, vận động sự cam kết và chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh lý khác...

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chương trình đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Trông công tác phát hiện lao kháng đa thuốc, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.

Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Sự thành công đó là nhờ vào việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

Trong năm qua, Chương trình Chống lao Quốc gia đã nỗ lực duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia, tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công - tư chuyển đến trong 9 tháng đầu năm là 26.300 bệnh nhân (chiếm 33,4%). Như vậy việc phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế cho thấy rõ hiệu quả.

Hiện ở 63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có bệnh viện phổi và hệ thống của chương trình chống lao. Trong thời gian tới, nhằm tăng cường phát hiện và điều trị bệnh lao thường quy, tại các tuyến của Chương trình Chống lao sẽ lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục