Thủ tướng Narendra Modi thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Israel từ ngày 4-6/7 và trở thành thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới quốc gia Trung Đông này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Sự kiện này được kỳ vọng có thể đưa quan hệ song phương sang một trang mới, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ không ngừng thúc đẩy chiến lược mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vai trò trên trường quốc tế.
Có thể thấy chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Israel lần này là bước tiếp theo trong chính sách đa phương hóa quan hệ mà New Delhi đang triển khai, với việc Thủ tướng Modi liên tục công du nước ngoài nhằm kêu gọi các nguồn đầu tư lớn đổ vào quốc gia Nam Á này trong khuôn khổ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India).
[Ấn Độ, Israel lọt vào tốp 8 cường quốc thế giới trong năm 2017]
Sau các nước láng giềng châu Á, ông Modi đã tới châu Âu và Mỹ, và nay điểm dừng chân là Israel, quốc gia hiện nổi lên là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực như cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng, hợp tác an ninh, chống khủng bố, phát triển khoa học công nghệ và nông nghiệp.
Ngay trước thời điểm Thủ tướng Ấn Độ đặt chân tới Israel, Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông qua gói ngân sách trị giá 80 triệu USD để thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác công nghệ nước và nông nghiệp.
Trong bối cảnh Israen đang tìm kiếm các đối tác kinh doanh cũng như đồng minh để tạo lợi thế trên các diễn đàn quốc tế, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ được coi là một chiến thắng về mặt ngoại giao đối với Tel Aviv.
Tuy nhiên, chuyến thăm cũng mang những ý nghĩa rất thực dụng bởi Ấn Độ là thị trường vũ khí lớn nhất của Israel với các hợp đồng mua vũ khí lên tới 1 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, Israel cũng là một trong những nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Ấn Độ, chỉ sau Nga và Mỹ.
Tháng Tư vừa qua, Ấn Độ đã ký 3 hợp đồng mua tên lửa của Israel trị giá 2,6 tỷ USD.
Theo đánh giá của giới phân tích, đây không chỉ là thỏa thuận mua bán quân sự đơn thuần, mà nó cho thấy hai nước có những mục tiêu chiến lược chung trước những mối lo ngại từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoài ra, thỏa thuận này cũng đem lại những tiềm năng lớn về kinh tế cho cả hai nước.
Ấn Độ cũng quan tâm đến công nghệ nước và nông nghiệp công nghệ cao của Israel, khi Israel được đánh giá là quốc gia có nền công nghệ nước đứng đầu thế giới.
Israel sử dụng 1/3 lượng nước cho lĩnh vực nông nghiệp là tách nước ngọt từ nước biển và tái sử dụng 80% lượng nước sinh hoạt đã qua sử dụng.
Trong khi đó, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và năng suất nông nghiệp không ổn định do yếu tố thời tiết.
Bởi vậy, Ấn Độ và Israel đã thiết lập các trung tâm hợp tác nông nghiệp từ 2009, trong đó Israel giúp Ấn Độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hai bên cũng chủ trương tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng, công nghệ truyền thông, công nghệ điện tử.
Israel là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) và mục tiêu của Ấn Độ là thu hút được nguồn chất xám này.
Về cuộc xung đột Israel-Palestine, Thủ tướng Modi khẳng định lập trường của Ấn Độ ủng hộ giải quyết cuộc xung đột theo hướng hòa bình, đối thoại và bày tỏ tin tưởng vào giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình.
New Delhi ủng hộ các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho tất cả những vấn đề còn tồn đọng, trong đó có cả vấn đề tranh chấp Jerusalem.
Đây được xem là động thái khôn khéo của Thủ tướng Modi nhằm cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ, Israel và các nước Arab, cũng như không làm mất lòng Palestine.
Tuy nhiên, rất khó để đánh giá triển vọng quan hệ giữa Israel và Palestine bởi bản chất lịch sử cũng như những biến động trong quan hệ giữa hai nước.
Mặc dù Thủ tướng Modi đánh giá cao các thành tựu của Israel trong nhiều lĩnh vực, song những khác biệt về cấu trúc an ninh quốc gia cũng như lập trường của Israel và Ấn Độ trong một số vấn đề quốc tế không tương đồng khiến quá trình thúc đẩy quan hệ song phương vấp phải nhiều trở ngại.
Sự chiếm đóng của Israel ở khu Bờ Tây suốt 50 năm qua cũng như việc Israel và Palestine chưa đạt được thỏa thuận hòa bình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thúc đẩy quan hệ giữa Israel và Ấn Độ bởi New Delhi vốn ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine.
Vì thế, có thể nói rằng mối quan hệ Israel-Ấn Độ dù có tương lai và tiềm năng, song vẫn còn không ít thách thức.
Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Modi tới Israel lần này sẽ giúp định hình rõ hơn mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai./.