Chuyến thăm của Thủ tướng tạo động lực thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Romania

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu một năm mới - năm chuẩn bị cho việc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo động lực thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Romania trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đỗ Đức Thành đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu về ý nghĩa và trọng tâm chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

- Quan hệ Việt Nam-Romania đang phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và trọng tâm chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?

Đại sứ Đỗ Đức Thành: Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1.

Chuyến thăm nhằm khẳng định mong muốn của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, được dày công xây dựng và vun đắp từ khi Việt Nam và Romania thiết lập quan hệ ngoại giao (3/2/1950), với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu dành cho nhau.

Chuyến thăm mở đầu một năm mới, năm chuẩn bị cho việc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sẽ mang lại khí thế mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, chuyến thăm đã và đang tạo ra một không khí vô cùng phấn khởi đối với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Romania, mong chờ được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người đã có thời gian dài học tập và làm việc tại Romania, với những tình cảm gắn bó vô cùng thân thiết.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi với người đồng cấp và lãnh đạo Romania về các biện pháp để tiếp tục phát huy, thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng.

Hai bên sẽ bàn về các biện pháp tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là ở cấp cao; triển khai các thỏa thuận đạt được tại khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế lần thứ 17 tại Hà Nội (tháng 11/2023); thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh bổ trợ cho nhau như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế, năng lượng…; phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam; hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh (gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hợp tác phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…); thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch, tư pháp, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, lao động…; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam; hợp tác tại các diễn đàn đa phương (Liên hợp quốc, ASEAN, EU…) và một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ cùng Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Romania, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, chứng kiến lễ ký kết một loạt văn kiện hợp tác, thăm các cơ sở kinh tế, trường học, viện nghiên cứu, gặp gỡ một số bạn bè người Romania và cộng đồng người Việt tại Romania...

- Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu nổi bật trong quan hệ giữa hai nước những thời gian qua?

Đại sứ Đỗ Đức Thành: Trong 74 năm qua, Chính phủ và nhân dân Romania đã luôn dành cho Việt Nam những tình cảm và sự hỗ trợ to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục được củng cố và thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực.

viet-nam-romania-1-6879.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea ký biên bản kết thúc Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Romania về Hợp tác Kinh tế, ngày 21/11/2023. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Romania không ngừng được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước và các cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây giữa Tổng thống Romania Klaus Werner Iohannis và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Khóa họp Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2023, nhân dịp Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tháng 12/2022…

Ở cấp độ EU, tháng 6/2019, với sự hỗ trợ hết sức tích cực của Romania trong vai trò Chủ tịch Luân phiên, Việt Nam và EU đã ký kết EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) mà Romania là một trong ba quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn.

Trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Romania phát triển tích cực trong những năm gần đây. Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Romania tăng hơn 1,6 lần so với năm 2019, từ 261 triệu USD lên 425 triệu USD.

Ngoài ra, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước cũng được thể hiện thông qua việc hợp tác giải quyết các thách thức lớn, như việc Romania viện trợ cho Việt Nam 300.000 liều vaccine phòng COVID-19, hỗ trợ sơ tán công dân Việt Nam trong cuộc xung đột tại Ukraine cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Romania.

Đối ngoại nhân dân cũng đạt bước phát triển tích cực sau đại dịch COVID-19, trao đổi đoàn các cấp, các ngành ngày một khởi sắc.

- Romania là một trong ba quốc gia thành viên đầu tiên trong EU phê chuẩn EVIPA. Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng cũng như các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước trong khuôn khổ EU?

Đại sứ Đỗ Đức Thành: Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước Việt Nam-Romania đã phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Đối với Việt Nam, Romania là đối tác truyền thống tại khu vực Đông Nam Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước EU và khu vực Tây Balkan. Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA, chìa khóa mở rộng cánh cửa cho thương mại và đầu tư của Việt Nam vào khu vực.

viet-nam-romania-2-3350.jpg
Quang cảnh Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Romania về Hợp tác Kinh tế, tại Hà Nội tháng 11/2023. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Doanh nghiệp hai nước cần được chuẩn bị tốt để tranh thủ các cơ hội do việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình được EVFTA đề ra.

Sau khi được toàn bộ các nước EU phê chuẩn, EVIPA sẽ có tác động bổ trợ với EVFTA trong thu hút các nguồn đầu tư để thúc đẩy trao đổi thương mại trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông sản chế biến, hóa chất, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, các sản phẩm công nghệ thông tin…

Triển vọng tiếp cận được thị trường này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn là EU. Ví dụ, cho đến nay, một tỷ trọng hàng hóa lớn của Việt Nam nhập khẩu vào Romania vẫn phải trung chuyển qua một nước thứ ba, nếu như nhập hàng hóa của Việt Nam trực tiếp qua cảng Constanta (Romania) sẽ cho phép rút ngắn lộ trình sáu ngày so với tuyến đường vận tải hàng hóa truyền thống qua các cảng Tây Âu hiện nay.

Với triển vọng thực hiện giảm thuế quan theo lộ trình của EVFTA và triển vọng EU phê chuẩn EVIPA, thêm vào đó là Romania sẽ sớm trở thành thành viên đầy đủ của khối Schengen, một cơ hội rộng lớn sẽ mở ra cho hợp tác mọi mặt, đặc biệt là kinh tế, khoa học-kỹ thuật, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Việt Nam và Romania cần tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực mỗi bên có thế mạnh và có tính chất bổ trợ cho nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ của tương lai, như đã được trình bày ở trên.

Các cơ chế hợp tác cũng được đẩy mạnh như tăng cường thông tin lẫn nhau, kết nối doanh nghiệp (thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo, trao đổi đoàn để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau cũng như tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, thương mại, đầu tư và hợp tác), tăng cường mối quan hệ trực tiếp giữa các địa phương, thúc đẩy việc thành lập một phòng thương mại và công nghiệp song phương Việt Nam-Romania.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục