Nhân dịp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/4, phóng viên TTXVN tại Praha đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng về ý nghĩa chuyến thăm và triển vọng của quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thưa Đại sứ, Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Trong hơn 70 năm qua, hai nước quan tâm thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên tất cả các mặt. Kể từ khi mở cửa sau đại dịch COVID-19, hai nước đã nối lại trao đổi các đoàn cấp cao. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Séc Petr Fiala tới Việt Nam có ý nghĩa chính trị như thế nào?
- Đại sứ Thái Xuân Dũng: Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Séc không ngừng được củng cố và phát triển trong suốt hơn 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, hợp tác địa phương...
Sau hai năm bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, thời gian gần đây, quan hệ chính trị đối ngoại giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển tích cực.
Trong năm 2022, hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp, đáng chú ý là chuyến thăm Séc của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An kết hợp họp Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Séc về hợp tác kinh tế lần thứ VII, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cenechova dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022...
Tiếp nối thành công đó, từ đầu năm nay, Bộ trưởng Công thương Séc Josef Sikela thăm Việt Nam (các ngày 19-22/2) và chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala từ ngày 20-22/4.
Chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala đến Việt Nam lần này là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ sau chuyến thăm Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2019. Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Séc đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala mang lại triển vọng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Séc lên một tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư và quốc phòng.
Séc hiện coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất ngoài Liên minh châu Âu (EU) về phát triển thương mại và đầu tư. Về quan hệ thương mại-đầu tư, tận dụng các lợi ích và ưu đãi mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đem lại, quan hệ thương mại giữa hai nước trong năm 2022 tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Theo số liệu của Bộ Công thương Séc, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 2,34 tỷ USD, tăng 12,5% so với số liệu cùng kỳ năm 2021 (2,08 tỷ USD).
Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, Séc có 41 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 92,38 triệu USD, đứng thứ 50 trong số 142 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư tiêu biểu của Séc vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tài chính (Home Credit), sản xuất hàng tiêu dùng (Elmich), thiết bị điện (Hydra), bất động sản (chủ yếu là các công ty do kiều bào sở hữu) và sản xuất thiết bị cơ khí và vật liệu xây dựng.
Tháng 10/2022, tập đoàn công nghiệp ôtô lớn nhất của Séc là Skoda đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất và phân phối ôtô tại Việt Nam với tập đoàn Thành Công.
Đại sứ có thể chia sẻ về tình hình quan hệ hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, thương mại? Có ý kiến cho rằng Việt Nam và Séc có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng, song chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác. Chuyến thăm của Thủ tướng Fiala sẽ có tác động như thế nào đối với vấn đề này?
- Đại sứ Thái Xuân Dũng: Về quan hệ thương mại-đầu tư, tận dụng các lợi ích và ưu đãi mà EVFTA đem lại, kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng qua các năm, cụ thể năm 2020 tăng 22% so với năm 2019, năm 2021 tăng 32,5% so với 2020, năm 2022 tăng 12,5% so với 2021, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác.
Việt Nam nhập khẩu từ Séc các mặt hàng máy móc, thiết bị, tân dược, hóa chất..., trong khi các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU nói chung, Séc nói riêng là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản, hàng tiêu dùng công nghiệp...
Từ thực tế quan hệ thương mại song phương, có thể thấy Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng..., trong khi Séc là một trong những nước EU có nền tảng khoa học-kỹ thuật và công nghệ tiên tiến và hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau.
Tại phiên họp thứ VII Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Séc về Hợp tác kinh tế tại Praha vào cuối tháng 6/2022 và chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Jozef Sikela đến Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tập trung một số lĩnh vực như: năng lượng và năng lượng tái tạo (chuyển dịch năng lượng, hiện đại hóa các nhà máy điện than và hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, an ninh mạng, chuyển giao công nghệ trong ngành phát điện…), công nghiệp ôtô, công nghiệp mỏ, hợp tác nghiên cứu khảo sát vấn đề môi trường, xử lý nước thải, công nghiệp hóa dầu, đào tạo phi công… Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và Séc có thế mạnh.
Tôi tin rằng 20 doanh nghiệp hàng đầu của Séc tháp tùng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Séc Petr Fiala sẽ mang tới luồng sinh khí mới cho hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước và hai bên sẽ cụ thể hóa các lĩnh vực thúc đẩy triển khai.
Cộng hòa Séc là nước có nền giáo dục đào tạo phát triển. Tuy nhiên, hợp tác song phương trong lĩnh vực này hiện chưa được như kỳ vọng. Xin Đại sứ cho biết việc thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo có nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm hay không? Hai nước có những kế hoạch nào nhằm tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là việc tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Séc?
- Đại sứ Thái Xuân Dũng: Cộng hòa Séc có nền giáo dục phát triển với khoảng 40 trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học lớn như Đại học Charles, Đại học Kỹ thuật (CVUT), Đại học Công nghệ Brno (BUT), Đại học Kinh tế Prague (VSE)… đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật. Các trường đại học của Séc có nhu cầu tuyển sinh quốc tế, trong khi nhiều sinh viên Việt Nam cũng rất muốn sang Séc học tập.
Trên thực tế, tiềm năng hợp tác giáo dục giữa hai bên còn nhiều dư địa để phát triển. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.
[Báo chí CH Séc kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala]
Cụ thể, hai bên sẽ ký Ý định thư về hợp tác giáo dục. Đây là bước đầu để thúc đẩy, tiến đến đàm phán, ký kết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa hai chính phủ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi và cơ sở để tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tới Séc cũng như trao đổi giảng viên, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước.
Tháng 7/2023, cộng đồng người Việt sẽ kỷ niệm 10 năm được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện này đối với cộng đồng người Việt nói riêng, với mối quan hệ giữa hai nước nói chung?
- Đại sứ Thái Xuân Dũng: Cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt sinh sống tại Séc có khoảng 96.000 người, là cộng đồng đoàn kết, giàu tình tương thân, tương ái, có trách nhiệm, chăm chỉ, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Cộng đồng người Việt đang từng bước hội nhập bền vững và có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội sở tại, được người dân và chính quyền sở tại đánh giá cao, ghi nhận là một cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho Séc.
Cộng đồng người Việt tại Séc cũng là cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước đầu tiên được chính phủ một nước công nhận là dân tộc thiểu số. Tháng 7/2023 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng, kỷ niệm 10 năm cộng đồng người Việt Nam được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14.
Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, cho thấy sự thừa nhận, đánh giá cao của chính quyền cũng như người dân Séc đối với sự hội nhập, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại của cộng đồng người Việt tại Séc.
Khi được công nhận là dân tộc thiểu số, người Việt tại Séc được hưởng các lợi ích được quy định trong điều luật của Séc về các cộng đồng dân tộc thiểu số, như được cử đại diện của mình vào các Hội đồng Dân tộc Thiểu số ở cấp địa phương cũng như cấp trung ương, được thảo luận và đưa ra ý kiến tại hội đồng về những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số, được chính quyền sở tại hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình…
Cộng đồng người Việt tại Séc luôn có những đóng góp tích cực cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, gần đây nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cộng đồng người Việt trên toàn Séc đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tích cực hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại ứng phó với dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu như trao tặng khẩu trang, vật tư tế, tiền mặt, cung cấp những suất ăn và đồ uống miễn phí cho các lực lượng phòng, chống dịch.
Có thể nói, sự tồn tại, hội nhập và phát triển của cộng đồng người Việt tại Séc là cầu nối quan trọng góp phần duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước.
Tôi tin tưởng rằng, với vị thế là dân tộc thiểu số tại Séc, cộng đồng người Việt tại Séc sẽ ngày càng hội nhập, khẳng định vị thế, vai trò của mình đối với sở tại, đồng thời tiếp tục góp phần thúc đẩy mối quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Séc ngày càng phát triển.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!