Khi teen tung ảnh "nóng"

Chuyện teen tung ảnh "nóng": Chung nỗi sửng sốt!

Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và chính những học sinh không chấp nhận việc teen tung ảnh sex, ảnh xấu lên mạng đã có những phản ứng...
Vấn đề tung ảnh phô bày cơ thể lên mạng đã không còn xa lạ. Song “tiến trình” tự bôi nhọ bản thân hoặc bạn bè của giới trẻ, nguy hại nhất là các em ở tuổi "teen" như không ngừng “phát triển,” gây trăn trở và bức xúc cho toàn xã hội.
Từ khoe người đến khoe tình...

Việc để lộ cơ thể trên mạng ở tuổi teen rất nguy hại. Ban đầu có thể chỉ là cởi bỏ bớt một phần quần áo để khoe ngực, khoe vai, khoe chân. Nhưng khi đã “dấn thân” và bị bạn bè thách thức thì sẽ không dừng lại ở đó.

Lướt qua một vòng các diễn đàn trên mạng chúng ta bắt gặp những hình ảnh các nữ sinh đua nhau “khoe” mình bằng cách chụp ảnh mặc đồ cực thiếu vải. Có trường hợp là mặc áo đồng phục rồi mở cúc phô bày các cỡ ngực, vòng eo. Thậm chí, có trường hợp không còn mảnh vải che thân...

Lâu nay, có một từ mà thầy cô và phụ huynh nghe rất sợ nhưng cánh trẻ nói với nhau hồn nhiên như không: “Tự sướng.” Đó là một tiếng lóng được giới trẻ truyền tai nhau để chỉ trường hợp “cậu ấm, cô chiêu” nào tự mình tung lên mạng những hình ảnh hở hang.

Cô giáo Ngô Lan Anh, giáo viên trường Trần Phú nói: "Vào mạng nhìn hình ảnh các nữ sinh cố tình hớ hênh như vậy, tôi thấy tội nghiệp và lo lắng cho các em quá vì nhiều em không thể hiểu sự nguy hại. Cứ như là mất chuẩn! Chắc chắn thầy cô và cha mẹ không biết sự lệch lạc này. Và khi biết thì sự đã rồi. Học sinh nam xem cười đấy nhưng còn đánh giá bằng câu hát 'Bông hoa này là của chung.'"

Không chỉ  khoe người, các nam nữ sinh còn khoe cả chuyện tình yêu lên mạng. Ban đầu là khoe yêu với bạn bè, sau là tạo ý thức về “chủ quyền”. Thế nên không dừng lại ở ảnh chụp đôi ôm nhau mà còn muốn báo cho “địch thủ” hoặc các “vệ tinh” khác biết độ thân mật để… tránh ra.

Chị Nguyễn Thu Nga, một phụ huynh của trường trung học phổ thông ở Hà Nội tâm sự: “Con gái tôi dại lắm, mà không phải chỉ có nó. Có hôm cháu quên tắt máy, tôi tình cờ vào Facebook của nó và cả đám bạn. Toàn con nhà tử tế cả lại đang học lớp 10, mà đứa nào cũng khai đang ở tình trạng 'đã kết hôn,' chụp ảnh ôm, hôn nhau đưa lên hình đại diện. Chúng nó khoe tình yêu và còn viết những lời nguyện mãi mãi không chia lìa.”

Chị Nga xót xa nói: “Thế thì còn học hành gì được nữa. Mà tuổi còn nhỏ vậy, yêu đương thì được bao lâu. Rồi 'nay thích mai thôi' mà khoe vung lên cho tất tật mọi người thì sau hư hỏng mất!”

Một phụ huynh có con đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thẳng thắn nói: “Theo tôi, vấn đề quan hệ tình cảm quá thân thiết với người chỉ yêu chưa phải là vợ chồng với nhau rồi chụp quay thật tai hại vì có thể chia tay bất cứ lúc nào. Hành vi quay lại cảnh trên giường rất nguy hiểm. Kể cả hai người đã là vợ chồng mà quay rồi tung lên mạng thì cũng bị coi là không có văn hóa.”

Em Phạm Ngọc Trang, đang là học sinh lớp 12, ở Lò Sũ (Hà Nội) bộc lộ: “Không thể chấp nhận đượ việc khoe ảnh mình hay tung lén ảnh nhạy cảm của bạn bè lên mạng. Không thể xấu chơi với người khác và càng không thể xấu chơi với chính mình. Sau lưng ai mà không có cha mẹ, người thân…, làm gì cũng nên nghĩ đến gia đình và cả trường lớp của mình nữa.”

Từ tâm lý thích tự tạo dấu ấn và bôi nhọ người khác


Nhiều thiếu nữ đã tự tung ảnh nóng của mình lên mạng để khẳng định cá tính, sau ân hận thì đã muôn. Cư dân mạng từng xôn xao vụ Phan Thị H. quê Hải Phòng đã lập một cái “nick” thật “kêu” muonyeu_quyxuongdi. Cái nick đó nhanh chóng gây chú ý sau những lời rủ rê, thách thức, H. bắt đầu chụp ảnh và đăng lên blog để khẳng định mình.

Còn L., một học sinh vào lúc thiếu tỉnh táo đã “phô bày” khoe cơ thể trên mạng để chứng minh mình không “lép.” Tỉnh ngộ thì các hình ảnh đã là của chung trên mạng rồi. Sợ thầy cô bạn bè biết chuyện nên L. phải tìm cách mọi cách gỡ những tấm ảnh, song chuyện này là không thể.

Chị Hạnh Quyên, một chuyên gia tâm lý giáo dục nhận xét: “Tôi nghĩ việc cần cảnh báo trước tiên là các gia đình nên để ý sâu sắc đến con cái trong việc trang bị máy tính tại phòng riêng. Các bậc phụ huynh nên lưu ý: Thời công nghệ thông tin phát triển như bây giờ, có khi các 'diễn biến phức tạp' chỉ diễn ra trong vòng mấy ngày.”

“Như vậy, khi phát hiện con có biểu hiện lệch lạc thì nên kiểm soát và từ từ uốn nắn, không nên căng thẳng quá dễ ảnh hưởng tâm lý. Mặt khác, các gia đình cùng nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý để đạt hiệu quả giáo dục cao hơn,” Chị Quyên nói.

Nhiều chiêu tung "ảnh nóng" hoặc ảnh xấu lên mạng là trò đùa ác ý. Hại bạn là câu chuyện của hai nữ sinh trường trung học phổ thông Thái Hòa (Nghệ An). Trong lúc nghỉ giải lao giữa giờ học, một bạn nữ sinh vô tình có những khoảnh khắc hớ hênh quần áo và đã bị một bạn khác trong lớp “bắt” hình ảnh này bằng chức năng quay của điện thoại di động. Đoạn phim sau đó được phát tán lên diễn đàn học sinh của trường để những người khác tha hồ bình luận và nhận xét.

P.A.T., sinh viên Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, từng rơi vào trường hợp đang nằm nghỉ trưa trên giảng đường thì tự dưng bị một bạn trong nhóm chụp ảnh rồi về chỉnh sửa kèm theo những từ ngữ như “nước dãi chảy tùm lum…” và tung trên trang mạng xã hội Facebook. Sau khi sự việc xảy ra, P.A.T. đã yêu cầu người bạn kia tháo gỡ nếu không sẽ kiện. T nói: “Mình cảm giác bực bội và bị xúc phạm ghê gớm. Không ai thích mình trở nên xấu xí. Không ai thích mình bị bôi nhọ. Không ai thích mình trở nên tai tiếng...”

Việc sử dụng điện thoại ngày nay phổ biến đến mức không thể quản lý xuể. Nhiều học sinh tiểu học cũng đã có điện thoại để bố mẹ tìm gọi, quản lý. Chính vì vậy học sinh bắt đầu có những biểu hiện dùng điện thoại quay lén nhau, quay lén thầy cô rồi tung lên mạng.

Không chỉ trong đoạn clip tai tiếng nào đó mà được biết ở một số lớp học khi thầy cô viết bảng, học trò quay các phần phía sau lưng thầy cô. Rồi chụp ảnh thầy, cô mọi lúc mà không dễ gì phát hiện.
 
PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Cứ sử dụng điện thoại trong giờ học, trong trường thi là sai phạm. Kể cả nhân danh dùng điện thoại để phát hiện tiêu cực. Vì vậy các trường phải quản lý thật nghiêm việc học sinh mang điện thoại vào lớp học, vào trường thi”./.

Khoản 2 Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó.

Căn cứ vào quy định này, các chuyên gia luật lưu ý: Hình ảnh cá nhân là quyền của mỗi người, pháp luật không chấp nhận hành vi đưa hình ảnh của người khác lên mạng mà không được người đó đồng ý.

Danh dự, nhân phẩm con người là những giá trị nhân thân được pháp luật bảo vệ, không ai được phép xâm phạm. Xem xét vấn đề ở khía cạnh khác, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, tức có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục