Mỗi lần Tết, thịt thà cỗ bàn ê hề lại nhớ đến những món ăn hàng ngày. Nó tưởng như gần và nó cũng vẫn tưởng như xa, những món ăn hàng ngày của Hà Nội rất khó kiếm trong dịp Tết.
Ôi giời ơi, nếu khó tính khi ăn phở Hà Nội, có thể lướt qua hàng phở Phú Xuân ở chợ Hàng Da, húp hai thìa nước dùng và nói rằng nó chẳng còn được như cũ nữa. Chạy qua phở Bắc Hải Hàng Bồ, chợt nhớ ra rằng sau 8 giờ thì ăn chẳng còn ngon. Đôi khi cứ mông lung, chạy lên Hàng Giầy, ngồi làm bát phở Vui, lại chép miệng nói rằng phở Vui dạo này cả phở cả nước cực tệ.
Cuối cùng loanh quanh ra ngõ Văn Chương gặp hàng phở cho dân lao động ăn sớm, phở rõ vị Bắc, hồi quế thoang thoảng, vị thanh thanh, miếng thịt cắt vừa phải, không dày cũng không mỏng. Nó vừa đẹp với một cái bát loa. Nó vừa đẹp với một người yêu phở. Nó là thứ rất khó kiếm ở một Hà Nội xô bồ vì đây là hàng phở cho dân lao động ăn. Cứ để ý mà xem, sau 9 giờ thì cái vị ở hàng này cực kỳ tệ. Lý do đơn giản vì quá nhiều người ăn, nồi nước dùng phải bổ sung bằng nhiều thứ khác, nhưng thế, thì Tết đây, chả ai bán phở nữa.
Người ta cứ hẹn mùng mấy mùng mấy sẽ mở cửa hàng, cho nên người muốn ăn cứ mải mê trong chuyện cỗ bàn ở nhà, chạy ra ngoài vì ngấy quá, muốn ăn một bữa mấy món quà chơi mà hàng ngày vẫn ăn được thì lại không kiếm ra. Phở ơi là phở!
Người ta vẫn nói như huyền thoại, phở Phú Xuân Hàng Da, phở Bưng Hàng Trống, phở Bắc Hải 22 Hàng Bồ, phở mặn Gầm Cầu, phở Vui Hàng Giày, phở Tư Lùn Ấu Triệu-Hai Bà Trưng-Hàng Đồng, khi ăn cứ yên tâm húp vài thìa nước dùng rồi cắm mặt xì xụp. Nhưng, những ngày Tết chợt nhận ra rằng những chốn thân quen nay đóng cửa im ỉm. Và cuối cùng để tìm một hàng phở thì chợt nhận ra rằng, cái hàng mình đang ăn là cái hàng mình suốt ngày phớt lờ khi đi ngang qua.
Cũng vậy với bún chả, vào ngày Tết đố kiếm được hàng bún chả ngon ở Hà Nội. Dù rằng ở giữa đất kinh kỳ này chỉ có vài hàng ăn được. Người ta cứ khen bún chả Hàng Than, bún chả Chân Cầm, bún chả abc... nhưng cuối cùng thì, này nhé, bún chả ở ngõ Hàng Quạt khi nào khách ăn thì mới nướng mặc dù nước chấm hơi ngọt, nhưng miếng chả thơm ngon đến lạ. Có lẽ, cũng do cách chọn thịt.
Hay ở Tôn Đức Thắng đoạn Văn Miếu, nhà bán bún chả mà toàn đàn ông, từ cốc trà đá cho đến đĩa rau sống, người ta chuẩn bị cẩn thận và chú tâm vào như là cả đời chỉ là một đĩa bún. Ăn bún chả nhà đấy, miếng chả nướng chân phương không ướp nhiều hương vị quá mà chỉ có mùi thịt, mùi của sự tận tâm, mùi của sự cẩn thận, mùi của những người thích ăn ngon.
Ờ thì Tết không ăn được bún chả mà đôi khi lại nhớ đến hàng bún chả ở Nguyễn Khắc Nhu, bà ấy yếu lắm rồi, chỉ sợ chẳng may có vấn đề gì lại mất một hàng có thể ăn ở Hà Nội.
Nhưng mà nhé, cái cuối cùng phải để ý ở Hà Nội trong những ngày Tết, bạn có biết là gì không, đó là hàng bia hơi. Nó là thứ kỳ diệu mà Việt Nam chỉ Hà Nội mới có. Mỗi một ngõ hẻm, mỗi một con phố, mỗi một khúc quanh chúng ta đều có một hàng bia.
Nhưng này, Tết! Chúng biến đi đâu mất ý. Nghe thiên hạ đồn, nghe dân nhậu kháo nhau chỉ có một thằng duy nhất bán bia hơi trong dịp Tết ở đối diện Sân Quần Ngựa. Chẳng hiểu tại sao bia hơi lại quấn dân Hà Nội đến thế. Nhưng rõ ràng một điều, nếu để tìm hiểu những thứ ngon ở Hà Nội thì hãy đến quán bia hơi. Đơn giản, mỗi quán bia muốn tồn tại thì đều phải có một món gì đấy ngon.
Và người ta tìm đến quán đôi khi chỉ để nhớ, chỉ để ăn, như ba chỉ nướng với dưa chua thì nhất định phải là bia ụ pháo; tam sự thì phải là Cường hói; hay đậu tẩm hành thì nhất định phải là cái ngõ nhỏ nhỏ cắt ngang Lý Nam Đế, cái quán ấy bán cốc bia rất to và lưỡi lợn ở đấy cũng rất ngon...
Đấy, phở, bún chả và bia hơi là những đặc sản Hà Nội mà trong dịp Tết chúng ta có kiếm cũng chả được. Đấy, những cái hàng mà cả năm chúng ta nhìn chỉ bĩu môi rồi bỏ đi thì có khi trong dịp Tết lại phải ngồi vào để nhớ những hương vị, để tìm những hương vị mà chúng ta thèm. Chỉ vì Tết.
Người viết bài này nghiện phở, bún chả và bia hơi, cho nên muốn nói câu chuyện đó trong dịp Tết. Bạn cứ thử đi. Tết bạn sẽ uống bia ở đâu, ăn bún chả ở đâu và tìm quán phở thế nào?