Lầu Mí Say hướng con mắt trong leo lẻo nhìn người khách lạ trong khi tay vẫn không rời quyển vở toán. Với cậu bé người Mông 9 tuổi này, ước mơ được cắp sách tới trường đã suýt tuột khỏi tầm tay, khi cả cha mẹ em đều qua đời lúc còn rất trẻ.
Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tưởng phải bỏ học giữa chừng lại tiếp tục được "ươm mầm" ở Trung tâm từ thiện Phật Tích (Bắc Ninh).
Tiếp nối ước mơ
Trong những lần tới cao nguyên đá Hà Giang, ấn tượng nhất với tôi có lẽ chính là những ánh mắt của em bé người Mông trong vắt như đất trời vùng biên cực Bắc của Tổ quốc. Khi gặp khách lạ, chúng lạ lẫm nhìn rồi chạy nấp sau những hàng rào đá xám, nơi có những cây leo đâm mầm hứa hẹn một chồi non khỏe khoắn.
Lần gặp cậu bé người Mông ở vùng Kinh Bắc, ánh mắt của Lầu Mí Say vẫn trong leo lẻo, nhưng vẻ lạ lẫm đã không còn như trước. Cũng bởi, Say đã rời cao nguyên đá, xuống Trung tâm được gần một năm.
Quê Say ở xã Sảng Tủng (Đồng Văn). Lớn lên trong nghèo khó đã đành, nhưng Say sớm chịu cảnh mồ côi khi bố mẹ ra đi vì bệnh tật và tai nạn. Ở với họ hàng nghèo khó, việc đến trường của Say bị gián đoạn.
Tháng 7/2010, được sự giới thiệu của Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Giang, Lầu Mí Say được về ở tại Trung tâm từ thiện Phật Tích. Ngày đầu xuống… đồng bằng, Say bỡ ngỡ như lạc vào chốn khác. Ở đây, không những em được chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ mà còn được cắp sách tới trường.
Tôi nhắc tới cao nguyên đá, ánh mắt Say buồn hẳn. Em bảo nhớ nhà. Và, nếu có thể thì Say cũng muốn được về nhà, “nhưng chỉ là về chơi thôi, vì còn phải xuống Phật Tích đi học,” Say tâm sự.
Cũng như say, Sùng Văn De (dân tộc Mường) ở xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm, Bắc Cạn), bố mẹ mất từ khi De mới 1 tuổi, cậu bé này phải ở nhờ nhà người chú nghèo. 12 năm sống cùng chú, De được đi học, nhưng cũng buổi đực, buổi cái vì còn phải lên rẫy trồng ngô, chăm lúa.
Vất vả là thế, nhiều lần De muốn nghỉ học để phụ giúp chú, tự kiếm cơm nuôi mình bởi cái lưng của cậu bé 13 tuổi đã gùi được thóc, đã gánh vác được công việc nặng. Nhưng rồi có một hôm, các cô, chú ở xã đã giới thiệu De xuống Trung tâm Phật tích. Mừng như bắt được vàng, De bảo, xuống đây sẽ tiếp tục được đi học để thành người.
Rồi em khoe, mình chỉ muốn học thật giỏi để có thể trở thành nhạc sỹ. Sau đó, De sẽ về quê lập nghiệp, sáng tác những ca khúc phục vụ đồng bào của mình, xây dựng quê hương.
Gửi gắm mảnh đời còn lại
Ở Trung tâm từ thiện Phật Tích, không chỉ những em nhỏ có số phận đặc biệt được nương nhờ để sống, để học thành người mà còn có những cụ già khó khăn đang gửi nốt quãng thời gian cuối đời.
Bà Đoàn Thị Lộc (87 tuổi) ở An Lão, Hải Phòng, cái lưng đã gập xuống vì gánh nặng tuổi tác bảo rằng, bà không có chồng con.
Tuổi già như chuối chín cây, chẳng biết rụng lúc nào, nhưng dù đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời, cụ vẫn tự nấu cơm, chăm bẵm mình. Cho đến một hôm, bà được người cháu họ giới thiệu đến Trung tâm Phật Tích.
“Ở đây có người nấu cơm cho ăn, lại còn chăm sóc cẩn thận nữa nên tôi đã béo ra, sức khỏe cũng tốt hơn chú ạ,” bà bỏm bẻm, nói.
Theo lời bà, mỗi tháng, vào tuần rằm, mồng một, các cụ ở trong Trung tâm đều được lên chùa Phật Tích để thắp hương cúng Phật, nghe giảng đạo pháp.
Bà Đặng Thị Ca (68 tuổi) ở Thuận Thành, Bắc Ninh thì cho hay, hồi trẻ bà đi thanh niên xung phong, rồi quá lứa lỡ thì, không có chồng con. Chưa biết tuổi già nương tựa vào đâu, thì bà được vị Chủ tịch Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bắc Ninh giới thiệu đến Phật Tích.
Bà bảo, từ khi vào đây có thêm bạn nên vui vẻ. Ngoài việc được chăm sóc vật chất, phòng ốc, trang thiết bị phục vụ cuộc sống như tivi, bình nóng lạnh đầy đủ, người cao tuổi cũng được bố trí lao động hợp lý.
Vốn là Trung tâm Phật Tích có diện tích rất rộng 11,4ha, nên cán bộ Trung tâm có bố trí trồng rau. Những ngày mát trời, các cụ và các cháu nhỏ được tổ chức ra vườn nhổ cỏ, chăm sóc rau. Số rau làm ra sẽ được nhà bếp mua lại, trả tiền công cho những người làm, để các cụ và các em thiếu nhi tìm được nguồn vui, cũng như biết lao động hợp lý./.
Theo Đại đức Thích Đức Thiện, Trụ trì chùa Phật Tích, chùa sẽ phối hợp cùng Trung tâm từ thiện Phật tích dạy kỹ năng sống, hội họa, khóa học đạo phật ngắn ngày… cho trẻ em. Ngoài ra, chùa cũng mong muốn các phật tử đem tâm bố thí, từ bi trải rộng tình thương giúp người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm. Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Tất Tố, Giám đốc Trung tâm Phật Tích thì cho hay, trung tâm này mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2010. Nguồn kinh phí xây dựng và hoạt động thường xuyên của trung tâm do Quỹ thiện tâm (thuộc Vincom) tài trợ với sự định hướng của Trung ương Hội phật giáo Việt Nam. Giai đoạn 1, trung tâm nhận nuôi 75 cụ già và 75 em nhỏ. Hiện. ở trung tâm đã có 14 cụ và 42 trẻ em trên mọi miền đất nước. Được biết, thực đơn ăn là 1 triệu đồng/người/tháng. Trẻ em được nuôi ăn học cho đến khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp. Với những em không có khả năng học tập sẽ được đi học nghề để có thể bước vào đời. Người cao tuổi cô đơn muốn vào trung tâm phải ở độ tuổi từ 60-75 tuổi, không có con cháu, người thân để nương tựa. Ngoài ra, phải thuộc diện gia đình nghèo và không có lương hưu. Với trẻ em, phải từ 6 đến 14 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc cha mẹ không đủ năng lực, hành vi và khả năng nuôi dưỡng. Độc giả muốn biết chi tiết, hoặc có đối tượng cần giúp đỡ, có thể liên lạc với Trung tâm Phật Tích theo số điện thoại 0241.3725626. |
Trung Hiền (Vietnam+)