Chỉ còn vài giờ nữa là đồng hồ điểm những phút cuối cùng, năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, giờ này mọi người đều ấm êm trong gia đình, nhưng bên ngoài đường vẫn thấp thoáng bóng người công nhân vệ sinh môi trường vẫn tiếp tục miệt mài lao động để giữ cho đường phố sạch sẽ, các chiến sỹ công an vẫn căng mình đảm bảo an ninh trật tự cho mọi nhà.
Năm nào cũng vậy, nhiều người công nhân vệ sinh môi trường đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người diện những quần áo đẹp để đi đón giao thừa trên phố thì các chị vẫn cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét dọn từng mẩu rác trên đường để sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh khôi, sạch đẹp. Với họ, giao thừa là thời gian họ bận nhất trong năm.
Lụi cụi dọn vệ sinh trên đường Mạc Thị Bưởi, thành phố Hải Dương, chị Doan, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Môi trường đô thị Hải Dương đã có gần 30 năm gắn bó với nghề, vừa đẩy chiếc xe đầy rác về nơi tập kết vừa thổ lộ: “Đã nhiều năm đón giao thừa ngoài đường nhưng mỗi khi tới ngày 30 Tết lòng vẫn cứ thấy nôn nao. Nhìn mọi người mặc quần áo đẹp đón xuân mình cũng thấy buồn."
Dứt lời chị cúi xuống chép miệng: “Biết thế thôi em ạ, nghề nào nghiệp đấy mà, công nhân vệ sinh môi trường, ai chả phải đón giao thừa ngoài phố."
Việc Tết nhất ở nhà toàn phải nhờ chồng hoặc người thân lo giúp, hoặc phải lo sắm tết trước hàng tuần. Nhiều chị em cũng không chịu nổi áp lực của gia đình vì "đón tết ngoài đường" mà phải bỏ việc, một số khác phải bỏ vì sức khỏe không thể chịu đựng nổi việc đêm hôm lạnh lẽo ở ngoài đường.
Chị Doan tâm sự: "Nói thật là chúng mình sợ Tết lắm, vì gần tết bao giờ cũng tăng ca và số rác những ngày giáp Tết bao giờ cùng gấp 3-4 lần ngày thường. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhưng công việc thì phải làm thôi cũng vì miếng cơm, manh áo nên không bỏ được vì ở cái tuổi như mình bỏ việc cũng không biết làm gì để mưu sinh."
Cùng với các chị công nhân vệ sinh môi trường, những cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Hải Dương cũng đang căng mình để có một đêm giao thừa an lành cho người dân.
Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hải Dương tâm sự, trong những ngày này, họ phải đảm bảo quân số trực Tết để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho người dân. Dù là đêm giao thừa nhưng mọi người trong đội luôn trong tư thế sẵn sàng để khi có tình huống xấu xảy ra là có mặt ngay.
Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Công an thành phố Hải Dương, cho biết anh em cảnh sát giao thông thành phố Hải Dương ăn tết cả ngày lẫn đêm ngay trên đường bởi họ phải đi suốt, không có nghỉ. Bởi Tết là thời điểm mọi người đi lại, vui chơi, mua bán đông hơn ngày thường, kéo theo đó là ùn tắc giao thông, va quệt, tai nạn... và điều này đồng nghĩa với việc cảnh sát giao thông phải dồn lực để giải quyết khối công việc gấp đôi, gấp ba.
“Căng nhất là đêm Giao thừa, anh em trong đơn vị chia làm 4 ca, vừa tăng cường tuần tra kiểm soát, vừa thực hiện phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường trọng điểm và những điểm bắn pháo hoa, khi xong việc về đến cơ quan đã gần sáng, mọi người mới ngồi lại bên nhau, cùng cụng ly chúc mừng năm mới. Rồi, ai hết ca thì tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức mà chiến đấu tiếp, còn không thì lại lên đường làm nhiệm vụ," Thượng tá Quang chia sẻ.
Cùng với các chiến sỹ cảnh sát giao thông, những công nhân vệ sinh môi trường là những cán bộ của điện lực Hải Dương. Vào giờ mọi người nâng chén rượu chúc mừng năm mới thì các cán bộ trực điều độ lại đang căng mắt lên màn hình theo dõi hệ thống lưới điện để đảm bảo một cái Tết ấm áp cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng hành chính, tổ chức Điện lực Hải Dương, cho biết Điện lực Hải Dương đã chỉ đạo điện lực các địa phương cùng với các phân xưởng cơ điện, thí nghiệm, đo lường…ứng trực 24/24 với 50% quân số, tổ chức các đội cơ động sẵn sàng lên đường ngay trong đêm để kịp thời xử lý các sự cố.
Đón Xuân trên từng cung đường, những công nhân vệ sinh, những chiến sỹ cảnh sát giao thông, các cán bộ, công nhân ngành điện… đang lặng thầm hy sinh hạnh phúc cá nhân để đảm bảo mùa xuân an lành đến cho mọi gia đình./.
Năm nào cũng vậy, nhiều người công nhân vệ sinh môi trường đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người diện những quần áo đẹp để đi đón giao thừa trên phố thì các chị vẫn cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét dọn từng mẩu rác trên đường để sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh khôi, sạch đẹp. Với họ, giao thừa là thời gian họ bận nhất trong năm.
Lụi cụi dọn vệ sinh trên đường Mạc Thị Bưởi, thành phố Hải Dương, chị Doan, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Môi trường đô thị Hải Dương đã có gần 30 năm gắn bó với nghề, vừa đẩy chiếc xe đầy rác về nơi tập kết vừa thổ lộ: “Đã nhiều năm đón giao thừa ngoài đường nhưng mỗi khi tới ngày 30 Tết lòng vẫn cứ thấy nôn nao. Nhìn mọi người mặc quần áo đẹp đón xuân mình cũng thấy buồn."
Dứt lời chị cúi xuống chép miệng: “Biết thế thôi em ạ, nghề nào nghiệp đấy mà, công nhân vệ sinh môi trường, ai chả phải đón giao thừa ngoài phố."
Việc Tết nhất ở nhà toàn phải nhờ chồng hoặc người thân lo giúp, hoặc phải lo sắm tết trước hàng tuần. Nhiều chị em cũng không chịu nổi áp lực của gia đình vì "đón tết ngoài đường" mà phải bỏ việc, một số khác phải bỏ vì sức khỏe không thể chịu đựng nổi việc đêm hôm lạnh lẽo ở ngoài đường.
Chị Doan tâm sự: "Nói thật là chúng mình sợ Tết lắm, vì gần tết bao giờ cũng tăng ca và số rác những ngày giáp Tết bao giờ cùng gấp 3-4 lần ngày thường. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhưng công việc thì phải làm thôi cũng vì miếng cơm, manh áo nên không bỏ được vì ở cái tuổi như mình bỏ việc cũng không biết làm gì để mưu sinh."
Cùng với các chị công nhân vệ sinh môi trường, những cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Hải Dương cũng đang căng mình để có một đêm giao thừa an lành cho người dân.
Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hải Dương tâm sự, trong những ngày này, họ phải đảm bảo quân số trực Tết để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho người dân. Dù là đêm giao thừa nhưng mọi người trong đội luôn trong tư thế sẵn sàng để khi có tình huống xấu xảy ra là có mặt ngay.
Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Công an thành phố Hải Dương, cho biết anh em cảnh sát giao thông thành phố Hải Dương ăn tết cả ngày lẫn đêm ngay trên đường bởi họ phải đi suốt, không có nghỉ. Bởi Tết là thời điểm mọi người đi lại, vui chơi, mua bán đông hơn ngày thường, kéo theo đó là ùn tắc giao thông, va quệt, tai nạn... và điều này đồng nghĩa với việc cảnh sát giao thông phải dồn lực để giải quyết khối công việc gấp đôi, gấp ba.
“Căng nhất là đêm Giao thừa, anh em trong đơn vị chia làm 4 ca, vừa tăng cường tuần tra kiểm soát, vừa thực hiện phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường trọng điểm và những điểm bắn pháo hoa, khi xong việc về đến cơ quan đã gần sáng, mọi người mới ngồi lại bên nhau, cùng cụng ly chúc mừng năm mới. Rồi, ai hết ca thì tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức mà chiến đấu tiếp, còn không thì lại lên đường làm nhiệm vụ," Thượng tá Quang chia sẻ.
Cùng với các chiến sỹ cảnh sát giao thông, những công nhân vệ sinh môi trường là những cán bộ của điện lực Hải Dương. Vào giờ mọi người nâng chén rượu chúc mừng năm mới thì các cán bộ trực điều độ lại đang căng mắt lên màn hình theo dõi hệ thống lưới điện để đảm bảo một cái Tết ấm áp cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng hành chính, tổ chức Điện lực Hải Dương, cho biết Điện lực Hải Dương đã chỉ đạo điện lực các địa phương cùng với các phân xưởng cơ điện, thí nghiệm, đo lường…ứng trực 24/24 với 50% quân số, tổ chức các đội cơ động sẵn sàng lên đường ngay trong đêm để kịp thời xử lý các sự cố.
Đón Xuân trên từng cung đường, những công nhân vệ sinh, những chiến sỹ cảnh sát giao thông, các cán bộ, công nhân ngành điện… đang lặng thầm hy sinh hạnh phúc cá nhân để đảm bảo mùa xuân an lành đến cho mọi gia đình./.
Mạnh Tú (TTXVN/Vietnam+)