Nhân dịp 8/3, nhà văn Di Li ra mắt cuốn tản văn “Chuyện nhỏ đàn bà” viết về những nỗi niềm của phái yếu một cách đặc trưng “Di Li”: Hóm hỉnh, đầy thấu hiểu và sẻ chia.
Cuốn sách hơn 200 trang với 32 mẩu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ: “Đàn bà hơn nhau tấm chồng,” “Sống chung với mẹ chồng,” “Phụ nữ ly hôn,” “Yêu nhau thời COVID”…
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đánh giá tác giả viết về những nỗi lo, những thói quen và cả những ám ảnh thường nhật của chị em phụ nữ một cách hài hước, dí dỏm, rất "đặc trưng" Di Li.
"Lẩn khuất trong giọng điệu giễu cợt là nỗi đau âm ỉ cho phận đàn bà. Phải hiểu và thương chị em lắm mới dành tâm trí để kể lại từng mẩu chuyện đời bé xíu như vậy. Toàn những chuyện bé xíu nhưng gói ghém toàn bộ tâm tính và số phận đàn bà nước Việt," tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhận định.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đánh giá cao cuốn sách.
"Di Li là một nhà văn có sức đi và sức viết vô tận. Có cảm giác Di Li múa chữ mỗi phút mỗi giây khi có thể. Là đàn chị, nhưng mỗi khi được chuyện trò cùng Di Li, tôi cứ tưởng như đang được tiếp kiến một người đàn bà đầy trải nghiệm, chín chắn, cứng cỏi, kiên cường với một khối năng lượng sạch khiến tôi luôn bị ngỡ ngàng và bỗng nhận ra mình còn kém cỏi và yếu đuối quá, thấy cần phải học ở Di Li rất nhiều," luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết.
Đều đặn, năm nào Di Li cũng ra sách và tác phẩm nào cũng "hot" trên văn đàn. “Chuyện nhỏ đàn bà” là tác phẩm mở đầu cho năm 2022 của nữ nhà văn 7X. Di Li nói rằng đây là cuốn sách về hôn nhân và gia đình cuối cùng mà chị viết, vì muốn dành 10 năm tới cho tiểu thuyết và truyện ngắn.
[Di Li kể chuyện “Đàn ông cũng có điểm G” tại Hội sách mùa Xuân]
Chia sẻ về chất liệu và nguồn cơn viết tập tản văn này, Di Li cho hay chị có nhiều bạn bè và mỗi lần gặp rắc rối trong cuộc sống, các cô bạn thân luôn tìm đến chị để tâm sự. Có những cuộc điện thoại kéo dài đến cả 5 tiếng đồng hồ và lúc ấy Di Li đóng vai trò là người lắng nghe, thay vì khuyên bảo.
"Sau mỗi cuộc điện thoại, họ thường nói cảm ơn vì tôi đã lắng nghe và chia sẻ, nhưng sau đó tâm trạng tôi khá nặng nề vì thấy nỗi bất hạnh của phụ nữ thật muôn hình vạn trạng. Và những câu chuyện hiện thực ấy đã giúp tôi đúc kết được nhiều điều về kiếp nhân sinh, hiểu rằng đâu là giá trị lớn nhất của con người và để có được hạnh phúc, cần phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều,” nhà văn chia sẻ./.