Chuyện mạng tuần qua: Sao cứ phải hạ thấp nghề giáo đến vậy?

Điều mà nhiều người vẫn thường lên án hóa lại đáng thông cảm, trong khi nhiệt tình đi kèm với ngu dốt có khi lại chính là sự phá hoại.
Chuyện mạng tuần qua: Sao cứ phải hạ thấp nghề giáo đến vậy? ảnh 1Bài báo về "thầy giáo dạy thêm bị bắt quả tang" trên một tờ báo mạng (Ảnh chụp màn hình)

Những câu chuyện đầy tình người trong vụ giải cứu 12 người thợ mắc kẹt sau vụ sập hầm công trình thi công thủy điện Đạ Dâng có thể được coi là một câu chuyện cổ tích có thật trong mùa Giáng sinh 2014. 

Nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện buồn khiến nhiều người phải băn khoăn đặt câu hỏi đâu là chân giá trị trong một xã hội mà ranh giới giữa cái tốt, cái xấu đôi lúc không thể phân biệt nổi. Điều mà nhiều người vẫn thường lên án hóa lại đáng thông cảm, trong khi nhiệt tình đi kèm với ngu dốt có khi lại chính là sự phá hoại.

Một tờ báo đã dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra để "bắt quả tang" một thầy giáo đang dạy thêm. Người viết không dám lạm bàn đúng sai mà chỉ xin nói về thân phận con người.

Thầy giáo dạy địa lý của tôi thời cấp 3 là một người thầy chuyên môn rất giỏi cùng đạo đức đáng kinh trọng. Giờ tuổi thầy tôi đã cao và sắp về hưu cùng với những mệt mỏi của mưu sinh đời thường, của những giờ bán "cháo phổi" cho biết bao thế hệ học sinh. Tôi không biết thầy sẽ nghĩ gì nếu như có một phóng viên (đồng nghiệp của tôi) lại "bắt quả tang" mình đang dạy thêm. Và chính tôi, tôi cũng chẳng rõ mình sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng thông tin ấy. 

Bạn hãy ra chợ để xem con cá, mớ rau giá bao nhiêu và nhìn lại đồng lương giáo viên được bao nhiêu? Không phải không có những giáo viên từng bắt học trò "nhặt xương cho thầy" như trong một chương trình mà VTV từng phát trước ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua. Chính tôi cũng từng là nạn nhân của những giáo viên như vậy, nhưng càng không có nghĩa là nước ta thiếu những nhà giáo có tâm...

Chính đồng lương còm cõi mới là nguyên nhân để các thầy cô giáo phải dạy thêm. Không dạy thêm thì các thầy cô biết sống bằng gì? Đại đa số các thầy cô giáo không có quyền, chẳng có tiền, chỉ có chuyên môn sư phạm thì họ đành phải dạy thêm để sống. Thật lạ lùng, những người được giao nhiệm vụ quan trọng nhất - "trồng người" - lại đang bị đối xử quá tệ. Lương đã thấp nay còn canh cánh thêm nỗi lo bị "bắt quả tang" như tội phạm, dẫu là tội phạm mang lại tri thức cho người khác. 

Ở tờ báo tôi từng làm việc có một quy tắc làm tôi rất thích thú: Các phóng viên có quyền viết bất cứ thứ gì có lợi cho cộng đồng, đúng pháp luật và không trái lương tâm nghề báo. Nếu không thì chí ít phóng viên cũng có quyền từ chối bất kỳ đề tài nào mà phóng viên thấy không phù hợp với một trong các điều trên. Và vì nhiều lý do, tờ báo ấy nay "không còn nữa" nhưng tôi vẫn cố ghi nhớ và gắng thực hiện quy tắc đó.

Và cá nhân tôi nghĩ rằng bài báo "bắt quả tang" một ông thầy dạy thêm không làm nền giáo dục này tốt lên so với những bài báo phân tích các dữ liệu bất hợp lý để dừng gói 34.000 tỷ đồng cải cách sách giáo khoa. Số tiền khổng lồ ấy dùng để nâng chất lượng sống của giáo viên, đầu tư thêm các phương tiện giảng dạy, tăng quỹ khuyến học sẽ có ích hơn rất nhiều. 

Đừng trông đợi vào một thế hệ được giáo dục tốt khi những thầy cô hôm nay còn chui túi nilon lội suối đi dạy và trẻ em trông đợi những bữa cơm có thịt từ lòng hảo tâm.

Bỗng tôi nghĩ về lời của sử gia người Mỹ Will Durant: "Giáo dục là sự khám phá không ngừng về sự ngu dốt của chúng ta." 

Bạn có nghĩ vậy không?

Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục