Trang Facebook phim "Sống cùng lịch sử" mới có 122 lượt thích tính đến 15 giờ ngày 22/9 (Ảnh chụp màn hình)
Lâu nay mọi người cứ hay mặc định người dân thờ ơ với điện ảnh nước nhà. Nhưng sự kiện gây tổn hại đến bàn phím nhất trong tuần qua là một bộ phim lịch sử, chứng tỏ khán giả không hề có quay lưng lại với nghệ thuật thứ bảy. Vấn đề là tác phẩm nghệ thuật ấy có đến được với đông đảo công chúng hay không mà thôi.
Gõ cụm từ “bộ phim có kinh phí 21 tỷ đồng nhưng không bán nổi một vé”, Google lập tức cho ra tới hàng trăm ngàn kết quả, tức chẳng kém là bao so với bộ phim ăn khách “Scandal 2 – Hào quang trở lại” của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ. Phim cũng không đến nỗi không bán được vé nào như báo Thể thao & Văn hóa giật tít, bởi theo các báo khác ăn theo sự kiện này thì cũng có vài chục vé được tiêu thụ trong ngày đầu công chiếu ở Trung tâm chiếu phim quốc gia.
Hơn nữa, theo ông Cục phó Cục Điện ảnh trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ thì phim đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, ra mắt đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn đồng thời chiếu miễn phí cho các đơn vị bộ đội, sắp tới là đưa tới các trường đại học.
Thêm vào đó, dân am hiểu phim ảnh cũng bảo không phải cứ phim nhiều người xem là phim hay, và ngược lại, không phải cứ phim dở là ế khách. Nhiều phim Mỹ làm đoạt giải Oscar mà còn lỗ chỏng gọng, trong khi có phim “Transformers” bị các nhà phê bình chê dở tệ, chắng khác gì phim “Robot Trái cây” chiếu trên kênh Bibi, nhưng thu được cả tỷ USD chỉ trong vòng hơn một tháng.
Khổ nỗi, cái phim mà dân mạng bàn tán xôn xao tuần qua lại là phim tuyên truyền. Mà tuyên truyền nhưng đem cất kho thì là rõ ràng là phản tác dụng. Bởi thế mà một ông họa sĩ là Ủy viên Hội đồng nghệ thuật quốc gia đã phê phán những người làm ra bộ phim ấy là gây thất thoát, lãng phí.
Cũng có người bênh vực rằng chẳng qua là do phim không có kinh phí quảng bá, chỉ 50 triệu đồng, không đủ để in poster, treo băngrôn hay mời nhà báo đến dự công chiếu. Trong khi đó các hãng phim tư nhân đều làm mạnh khâu này, thậm chí có khi tiền quảng bá còn gần bằng kinh phí làm phim, do đó ăn khách là lẽ tất yếu.
Bình luận về chuyện đó, một đạo diễn “thị trường” (tạm gọi là như thế) mới viết trên trang cá nhân rằng báo chí đăng ầm ĩ, mạng xã hội bàn tán thế rồi, đến bác xe ôm chị bán rau cũng đã biết, chứng tỏ giờ phim đã được PR miễn phí cực kỳ hiệu quả. Nên bây giờ thử đem ra rạp chiếu lại xem có ăn khách không?
Chưa thấy ai lên tiếng hưởng ứng, song có điều đơn giản nhất mà những người hâm mộ điện ảnh thường làm mỗi khi có ý định xem một bộ phim nào đó là xem thử trailer. Vậy mà lên YouTube mò cái phim 21 tỷ kia chẳng khác nào mò kim đáy bể. Nghe nói phim có trang Facebook riêng nhưng chỉ có vài ba cái ảnh đoàn làm phim đi tìm bối cảnh, mà bài đăng gần nhất cách đây đã gần một năm trời.
Ấy vậy mà có cái phim sitcom phát hành âm thầm trên YouTube ngay lập tức bị các nhà báo văn hóa nhanh nhảu lên án, cơ quan quản lý biết chuyện liền gọi lên bắt phạt.
Một cư dân mạng bình luận: Vậy sao không ai nghĩ ra chuyện bắt tụi làm phim lậu ấy lập công chuộc tội bằng cách đi quảng bá cho cái phim 21 tỷ nhỉ, vì ít ra cái bọn làm phim nhảm nhí nó còn quan tâm đến người xem!
Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phải là quan điểm của tòa soạn.
(Vietnam+)