Rốt cục thì người dân Hà Nội cũng mãn nhãn với màn pháo hoa hoành tráng mừng 60 năm tiếp quản thủ đô sau nhiều ngày tranh cãi từ trên mặt báo, bên quán nước vỉa hè cho đến mạng xã hội về chuyện có nên bắn pháo hoa hay dùng tiền đó lo cho người nghèo.
Có vẻ như “phe bắn” đã thắng thế với lập luận được dẫn lại từ một vị cựu quan chức khi nói đến chuyện bắn pháo hoa mừng Năm mới: “Không nên tước đi niềm vui nhỏ nhoi duy nhất của họ (người nghèo) trong đêm giao thừa là ngước mắt lên trời ngắm pháo hoa và mơ ước về một năm mới tốt đẹp hơn… Giải pháp xã hội tốt nhất bao giờ cũng phải là giải pháp đem lại quyền hưởng thụ văn hóa cho nhiều người nhất."
Lập luận này hoàn toàn xác đáng khi lướt một vòng Facebook thời điểm pháo hoa rực sáng trên bầu trời Hà Nội. Mọi người thi nhau “post” ảnh, chụp hình “tự sướng”, ai nấy đều hồ hởi phấn khởi trong ngày lễ đặc biệt của thủ đô. 60 năm mới có một lần, đáng để ghi nhớ, đánh dấu một chặng đường phát triển, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành đô thị hiện đại “xứng tầm khu vực.”
Nhưng sau 15 phút đầy lãng mạn đó, tất cả bị kéo về với thực tại của một Hà Nội vẫn đang hàng ngày đau đầu với cảnh tắc đường và các giải pháp giao thông đô thị dở dang. Những hình ảnh pháo hoa đầy hồ hởi trên Facebook được đồng loạt thay bằng hình ảnh kẹt xe cùng những lời than vãn vì không thể về nhà kéo dài tới tận nửa đêm.
Giữa cảnh tượng có phần trớ trêu đó, một số người tỏ ra tâm đắc với chia sẻ có phần hơi kẻ cả nhưng không phải không có lý của một blogger: “Các hoạt động văn hóa nghèo nàn nên tất cả đổ ra đường xem bắn pháo hoa. Đây là lý do mình tránh dự các vụ lễ tết đông đúc, ở nhà làm chai rượu xem phim hay nghe nhạc cho yên bình.”
Lời nhận xét này gợi nhắc tới một vấn đề dường như mang tính muôn thuở của Hà Nội là thiếu các tụ điểm văn hóa, thiếu những không gian văn hóa và thiếu những sự kiện văn hóa có ý nghĩa mang tính thường niên. Một thành phố mà những tụ điểm văn hóa kiểu Zone 9 trở nên mất an toàn dẫn đến việc bị đóng cửa sớm, trong khi những quán nhậu kiểu Lan 9 thì đi đâu cũng thấy.
Thế nên cứ có lễ hội là kẹt cứng, cứ có pháo hoa là chen chúc. Và ở giữa đám đông xô bồ đó, thủ đô hiện ra với một bộ mặt khác xa những hình ảnh đã đi vào thơ ca, nhạc họa mà suốt cả tuần qua liên tục được phát đi phát lại trên truyền hình.
Một người dùng Facebook thấy vậy liền góp ý, nếu năm nào Hà Nội cũng bắn pháo hoa trong ngày 10/10, thay vì chỉ bắn đêm Giao thừa, có thể chỉ 3 phút, 5 phút thay vì 15 phút, thì có lẽ người dẫn sẽ ý thức hơn với việc đi xem hội bằng phương tiện công công thay vì phương tiện cá nhân, cảnh kẹt xe đến tận nửa đêm mới không tái diễn. Mà xem pháo hoa để tạm quên đi những khó khăn thường nhật thì cũng đáng lắm chứ!
Nhưng giữa vô vàn những chia sẻ khác nhau về đêm pháo hoa, cũng có những chia sẻ khiến người ta phải lặng người. Không hiểu những gia đình nạn nhân vụ nổ ở nhà máy sản xuất pháo hoa tại Phú Thọ một năm về trước có tâm tư thế nào khi nhìn cảnh pháo hoa rực sáng trên bầu trời?
Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.