Chuyện khởi nghiệp của vị tiến sỹ đem đậu hũ Nhật Bản về Việt Nam

Từ bỏ công việc quản lý ổn định tại Nhật Bản để về Việt Nam khởi nghiệp với công ty chuyên sản xuất đậu hũ, tiến sỹ Cao Minh Thái mong muốn đóng góp cho quê hương những sản phẩm của người Việt.
Tiến sỹ Cao Minh Thái. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ bỏ công việc quản lý ổn định tại một trung tâm nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản với mức lương cao để về Việt Nam khởi nghiệp khi đã lớn tuổi có lẽ là một điều khó tin đối với nhiều người.

Tuy nhiên, đây lại là quyết định của tiến sỹ Cao Minh Thái, Giám đốc Công ty Vị Nguyên chuyên sản xuất đậu phụ (đậu hũ) nổi tiếng tại khu vực miền Nam Việt Nam.

Lá đơn từ chức bất ngờ

Vào một ngày gần cuối tháng 3/2007, Viện trưởng Viện nghiên cứu trung tâm Toshiba (nay là Trung tâm nghiên cứu phát triển Toshiba) đóng tại thành phố Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa bất ngờ nhận được lá thư từ chức của một cán bộ quản lý người Việt Nam.

Trong thư, người cán bộ này nêu lý do "Tôi muốn trở về việc Nam để kinh doanh thương mại và trở thành một chiếc cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam."

Tiến sỹ Cao Minh Thái, người viết lá đơn trên, khi đó 52 tuổi, đã có 25 năm liên tục cống hiến cho Toshiba và là phụ trách Phòng thí nghiệm về môi trường tại Trung tâm nghiên cứu Toshiba.

Ông từng tham gia công việc nghiên cứu chế tạo tàu đệm từ (Maglev) có tốc độ tối đa lên tới 600km/h và các kỹ thuật tái chế nguồn nguyên liệu.

Ông Thái lấy bằng tiến sỹ tại Đại học công nghiệp Tokyo, được cấp bằng sáng chế về nghiên cứu vật liệu cách điện, được nhận nhiều bằng khen của Toshiba.

Ông cũng là người nước ngoài đầu tiên được thăng chức lên cấp quản lý tại trung tâm nghiên cứu đầu não của Toshiba.

Trong quá trình thẩm tra thăng chức lên quản lý, bộ phận nhân sự từng lấy lý do ông là người nước ngoài để gạt ông ra, tuy nhiên một cấp trên từng học cùng trường với ông vẫn tín nhiệm đề cử ông vì đánh giá cao tình thần làm việc trung thành của ông với tập đoàn này.

Vào ngày nhận được quyết định nghỉ việc, trở về nhà với khuôn mặt tươi cười, ông vui vẻ thông báo tin này với vợ.

Bà Nhung, vợ ông, khi đó đã không thể tin vào tai mình. Bà thông thạo cả tiếng Nhật và tiếng Anh, đã từng làm nhiều công việc như làm giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Keio, làm phát thanh viên cho Đài phát thanh NHK, dịch catalo các sản phẩm thương mại xuất khẩu sang Việt Nam, làm việc tại các trung tâm hỗ trợ thực tập sinh.

Bà coi Nhật Bản là quê hương thứ hai và muốn sống trọn đời tại đây. Vậy mà nay chồng bà đột ngột tuyên bố nghỉ việc và trở về Việt Nam để kinh doanh đậu hũ.

Bà Nhung biết chồng mình dạo gần đây say mê nghiên cứu làm đậu hũ. Dạo ấy, mỗi khi đi làm về nhà là ông lại lăn vào bếp và mày mò làm đậu hũ. Mỗi khi kết thúc việc "nghiên cứu," ông để lại cho bà một căn bếp đầy ứ những thứ phải dọn dẹp.

Bà công nhận đậu hũ của ông làm ngày càng ngon, nhưng không hề biết ông muốn xin nghỉ việc.

Bà không thể tin rằng chồng mình lại từ bỏ công việc mang lại cho gia đình khoản thu nhập hàng năm trên 10 triệu yen (khoảng 2,2 tỷ đồng vào thời điểm hiện tại) để chuyển sang làm đậu hũ vốn chỉ có giá vài chục yen (khoảng vài nghìn đồng) một bìa.

Thực ra, trước đó, ông Thái từng nói với vợ rằng đậu hũ do ông làm có lẽ sẽ bán chạy tại Việt Nam. Bà Nhung ậm ừ đáp lại nhưng trong lòng vẫn nghĩ chồng mình vẫn tiếp tục làm việc tại Toshiba, đồng thời thuê một người nào đó ở Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh đậu hũ.

Tuy nhiên, ông Thái lại coi việc bà không phản đối là sự đồng tình cho quyết định bất ngờ của ông.

Từ tình yêu quê hương

Mặc dù quyết định nghỉ việc để chuyển sang làm đậu hũ khiến gia đình và bạn bè bất ngờ nhưng đây lại là điều mà ông đã nung nấu suốt thời gian dài.

Trước đó, ông Thái có đọc được một bài viết đăng trên báo Thanh niên về việc một số người sử dụng công nghệ làm đậu "bẩn" bằng cách sử dụng thạch cao để làm nguyên liệu đông đặc đậu đăng.

Đọc xong bài viết, ông cảm giác như mình vừa ăn phải thạch cao. Ông cho rằng những kẻ như vậy không có tư cách làm đậu hũ.

Với thói quen của một nhà nghiên cứu, ông bắt đầu đọc sách và tra cứu Internet để mày mò tìm hiểu xem công nghệ làm đậu hũ của Nhật Bản và bắt tay vào làm thử.

Sau một thời gian, ông phát hiện ra rằng nếu trong quá trình làm đậu cho bớt muối Nigari đi, thì khi dùng thìa vớt đậu hũ lên thì nó sẽ sền sệt như lòng đào trứng.

Miếng đậu làm tay của ông khác hẳn so với loại đậu sản xuất hàng loạt bày bán ở các siêu thị.

Từ đó ông càng say mê hơn. Căn bếp của gia đình bỗng biến thành một phòng thí nghiệm, tại đây ông Thái đã thử nghiệm làm nhiều loại đậu với nhiều thành phần nguyên liệu, điều kiện khác nhau.

Với ông, làm đậu hoàn toàn giống với công việc nghiên cứu trước đây ông từng làm. Ông luôn trăn trở làm sao có thể làm ra loại đậu ngon hơn các sản phẩm thị trường đang bán.

Ở Nhật 35 năm, hàng ngày ăn các món ăn của Nhật nên khẩu vị của ông cũng gần giống với người Nhật. Tuy nhiên, vị giác với các món ăn truyền thống của quê hương vẫn không mai một trong ông. Do vậy, ông tự tin mình có thể làm ra loại đậu hũ ngon, đảm bảo vệ sinh mà vẫn phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.

Sản phẩm đậu hũ Vị Nguyên chinh phục đông đảo khách hàng

Trong cuộc sống, ông rất coi trọng chữ "Nhân." Dù phải mưu sinh khó nhọc, nhưng ông luôn giữ được nhân cách và phẩm hạnh.

Bố ông từng dặn các con phải luôn giữ trong lòng chữ "Nhân," có nghĩa là phải hành xử một cách đúng đắn và hành động vì con người. Nhớ lời dạy của cha, ông Thái luôn cống hiến hết mình vì công việc trước đây và nay lại tiếp tục dồn hết tâm huyết vào việc làm đậu hũ với tình yêu thương quê hương, đất nước.

Quả ngọt sau những ngày vất vả

Khởi nghiệp làm đậu hũ với số tiền 20 triệu yen nhận vì nghỉ việc sớm, ông Thái mua mảnh đất rộng 1.300m mét vuông tại ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh và bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị.

Ông đặt tên công ty là "Vị Nguyên," có nghĩa là giữ nguyên được mùi vị ban đầu.

Thời gian đầu rất khó khăn vì ông phải lặn lội khắp nơi để tìm nguồn đậu nành ngon, đi nhiều nơi để đào giếng tìm nguồn nước đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Sau một thời gian, ông bắt đầu đưa ra thị trường loại đậu hũ lạnh mang tên HIYAKO.

Tự tin sản xuất mỗi ngày 10.000 bìa đậu nhưng công ty của ông chỉ tiêu thụ được từ 2.000-5.000 bìa. Điều này khiến ông trăn trở, lao vào nghiên cứu cải thiện chất lượng trong 2 năm tiếp theo.

Trong thời gian này, công ty hoàn toàn không có lãi do chi phí trả cho nhân công, nguyên liệu, xăng dầu ngày càng tăng.

Một ngày nọ, ông mới phát hiện ra rằng mình quên mất rằng không nhiều người Việt Nam có thói quen ăn đậu sống mà người ta thường ăn đậu rán hoặc luộc, do đó thứ đậu hũ mà người Việt Nam thích phải có một độ cứng nhất định.

Sau đó một thời gian, nhờ sáng kiến của một nhân viên về chế biến chất làm đông đặc, công ty đã sản xuất ra được loại đậu không bị vỡ mà lại đẹp mắt. Kể từ đó, doanh số bán hàng của công ty bắt đầu tăng mạnh.

Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất 20.000-30.000 bìa đậu và cung cấp cho khoảng 900 siêu thị, cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có khoảng 400 cửa hàng chỉ chuyên bán đậu của Vị Nguyên.

Ông cho biết công ty đã đưa sản phẩm ra thị trường Hà Nội từ năm 2018 và hiện đang đứng thứ hai về thị phần tại thị trường Việt Nam.

Ông Thái cho biết mục tiêu của ông tới đây là xây dựng các chuỗi cửa hàng theo hình thức nhượng quyền để mở rộng thị trường hơn nữa.

Gặt hái được thành công tại quê nhà, đối với ông là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn. Bời vì ông luôn tâm niệm rằng sản xuất đậu hũ không chỉ vì mục đích kinh doanh mà là để đóng góp cho quê hương những sản phẩm từ chính bàn tay của người Việt./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục