Chuyện kể về hành trình đưa bệnh nhân COVID-19 vượt cửa tử hồi sinh

Trong công tác điều trị cho các bệnh nhân, các bác sỹ đã làm nên những điều “thần kỳ” khi bệnh nhân 19 là một trong hai ca nặng nhất tại Việt Nam được cứu chữa thành công.
Bệnh nhân 19 chụp ảnh cùng các y bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực trong ngày được xuất viện về nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc bệnh lên tới hơn 6,5 triệu người, hơn 387.000 người đã tử vong.

Tính đến nay Việt Nam đã khống chế tốt dịch COVID-19 với 49 ngày không có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng.

[Chuyên gia giải mã thành công của Việt Nam trong phòng chống COVID-19]

Trong công tác điều trị cho các bệnh nhân, các bác sỹ đã làm nên những điều “thần kỳ” khi bệnh nhân 19, một trong hai ca nặng nhất tại Việt Nam, được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cứu chữa thành công. Bệnh nhân 19 có nhiều tình huống rơi vào thập tử nhất sinh: từ lúc ngừng tim, chết lâm sàng, đến nay hồi phục trở lại ngoạn mục.

Giành sự sống cho người bệnh từ lưỡi hái tử thần

“Những ngày điều trị tích cực, tôi không biết gì hết, đến nay, sau một thời gian điều trị đã dần hồi phục được 70%. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi đã vượt qua được cơn bạo bệnh.

Không biết nói gì, tự đáy lòng mình tôi xin cảm ơn các y bác sỹ trong ngành y và tất cả mọi người đã tận tình giúp đỡ, cứu chữa nhiệt tình. Tôi rất xúc động trong buổi lễ ra viện này, mình đã được sinh ra lần thứ hai,” bà Nguyễn Tuyết Hằng (bệnh nhân số 19) xúc động chia sẻ trong ngày được các y bác sỹ công bố khỏi bệnh COVID-19.

BN19 chia sẻ sau khi khỏi bệnh:

Ngày 3/6, bệnh nhân 19 cười tươi khi chính thức được xuất viện với tình trạng sức khỏe đã ổn, bà đáp máy bay từ Hà Nội về nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là cả hành trình đầy gian nan, vất vả, mà chính các y bác sĩ đã giúp hồi sinh sự sống cho bà. Bệnh nhân 19 cũng là ca bệnh người Việt mắc bệnh COVID-19 nặng nhất, phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo).

Bệnh nhân 19 nhớ lại, bà ra Hà Nội từ ngày 28 Tết. Sau đó, biến cố lớn bất ngờ xảy ra, bà lây bệnh COVID-19 từ cháu gái là bệnh nhân 17 (bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 tại Hà Nội) và phải nhập viện điều trị dài ngày.

Bác sỹ Vũ Đình Phú-Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, bệnh nhân 19 vào viện rạng sáng 7/3, có thời gian điều trị lâu nhất, kéo dài hơn hai tháng. Cả một quá trình dài như vậy của bệnh nhân có rất nhiều rối loạn, các y bác sỹ phải liên tục theo dõi và điều chỉnh, đánh giá tình trạng bệnh.

Bệnh nhân 19 trong ngày xuất viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày 15/3, bệnh của bệnh nhân 19 tiến triển rất nặng nề và nhanh. Sau đó, bà rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, đặc biệt xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Với diễn tiến bệnh nghiêm trọng, ngay lập tức, các bác sỹ phải cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp.

Từ ngày 16/3 bệnh nhân phải đặt nội khí quản. Ngày 20/3 bệnh nhân chính thức được can thiệp ECMO và duy trì sự sống bằng ECMO suốt 17 ngày. Trong suốt quá trình ấy, bệnh nhân phải lọc máu liên tục và đã có ba lần ngừng tim, có lần bệnh nhân ngưng tim tới 40 phút.

“Đặc biệt, tình trạng của bệnh nhân 64 tuổi này nguy kịch nhất là vào đêm 7/4, bà đột ngột ngừng tim. Trước tình huống khẩn cấp đó, các y bác sỹ phải liên tục thay nhau nỗ lực ép tim liên tục và thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân trong 40 phút đồng hồ để bệnh nhân có nhịp tim đập trở lại. Đó là tình huống ngàn cân treo sợi tóc,” bác sỹ Phú nhớ lại.

Với sự nỗ lực hết sức, nhờ vào sự giám sát theo dõi chặt chẽ về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sỹ đã cấp cứu kịp thời giành lại sự sống cho nữ bệnh nhân từ tay tử thần.

Các bác sỹ cấp cứu cho bệnh nhân 18 trong thời điểm nguy kịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

80 ngày “cân não”

Sự hồi sinh bệnh nhân 19 trong tình trạng nặng là nỗ lực vượt qua những thách thức rất lớn của ê-kíp y, bác sỹ Việt Nam trong một hành trình rất dài, tưởng chừng nhiều lần phải bỏ cuộc.

Thời gian qua, hàng chục cuộc hội chẩn từ các chuyên gia đầu ngành đã diễn ra. Bên cạnh đó, các y, bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng luôn trong tình trạng khẩn trương để thay đổi phác đồ điều trị liên tục cho ca bệnh, vừa điều trị COVID-19, vừa giải quyết bệnh lý nền của người bệnh.

Bác sỹ Phú tâm sự: “Bệnh nhân có được kết quả như ngày hôm nay là công sức cả một đội ngũ theo dõi, giám sát thay đổi từng chiều hướng một để kịp thời phát hiện và điều chỉnh. Bệnh nhân mặng giống như đứng trên cầu thăng bằng chỉ cần gió nghiêng bên này một chút, nghiêng bên kia 1 chút đều nguy hiểm đến tính mạng.”

Với sự nỗ lực và quyết tâm của các y, bác sỹ chăm sóc trực tiếp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sự hỗ trợ và hội chẩn thường xuyên bằng phương án điều trị phù hợp của Hội đồng chuyên môn, của các chuyên gia, bệnh nhân 19 đã trải qua những ngày nguy kịch để chuyển sang tình trạng nặng và hồi phục một cách thần kỳ. Ước tính chi phí điều trị cho bệnh nhân 19 khoảng hơn 2 tỷ đồng và đều được bảo hiểm y tế và Nhà nước chi trả hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế.

“Đây là niềm vui rất lớn cho chúng tôi bởi bệnh nhân từng tiên lượng thấp, đã có nhiều lần rơi vào trạng thái 'chết lâm sàng' nhưng hiện tại đã hồi phục, tỉnh táo,” bác sỹ Vũ Đình Phú phấn khởi.

Bệnh nhân 19 lên xe để về nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ về một cuộc sống mới sau khi bước qua cửa tử, bệnh nhân 19 cho biết, lúc mới vào viện, bà vẫn ăn ngủ bình thường, thậm chí còn thấy ăn uống ngon miệng nhưng sau đó rơi vào hôn mê lúc nào không biết. Một ngày tỉnh dậy, thấy mình đang phải thở ôxy và nằm phòng điều trị riêng biệt, người yếu không có sức, chân tay không nhấc nổi, bà cũng chưa hiểu rõ lắm về bệnh tình của mình.

Bệnh nhân 19 chia sẻ sau này nghe mọi người kể mới biết, COVID-19 đã ảnh hưởng tới sức khỏe kinh khủng tới vậy.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhận định sự phục hồi của bệnh nhân 19 là một kỳ tích sau khi đã trải qua những giờ phút "thập tử nhất sinh"./.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị cho đông bệnh nhân COVID-19 nhất tại Việt Nam, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng mắc những bệnh lý nền phức tạp. Đến nay, tại bệnh viện đã có 154 ca bệnh được điều trị khỏi.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, từ cuối tháng 1 đầu tháng 2 có ca bệnh đầu tiên vào bệnh viện. Trong quá trình thế giới và Trung Quốc có rất nhiều nhân viên y tế mắc bệnh và tử vong, với áp lực của bệnh viện sống trong tình trạng chung, ban lãnh đạo bệnh viện lúc đầu cũng rất lo lắng và liên tục nhắc nhở nhân viên phòng dịch cẩn thận.

“Trong quá trình chăm sóc gần 200 bệnh nhân rất khó khăn, có 2 bác sỹ của chúng tôi bị nhiễm và trong cộng đồng. Những lúc khó khăn nhất ấy, chúng tôi liên tục nhắc nhở, động viên nhân viên y tế. Lúc đầu xã hội hoang mang, nhân viên y tế cũng hoang mang, không dám đến cổng Bệnh viện Nhiệt đới, đến nay chúng ta đã hiểu và khống chế tốt hơn,” ông Thạch cho biết.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục