Chuyên gia y tế kêu gọi châu Âu hỗ trợ Tây Phi dập dịch Ebola

Chuyên gia y tế ở 16 nước châu Âu kêu gọi chính phủ các nước này hỗ trợ dập dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi và có nguy cơ đe dọa thế giới.
Chuyên gia y tế kêu gọi châu Âu hỗ trợ Tây Phi dập dịch Ebola ảnh 1Nhân viên y tế Tổ chức Bác sỹ không biên giới điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Kailahun, Sierra Leone. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/9, chuyên gia và viện sĩ về sức khỏe cộng đồng ở 16 nước châu Âu kêu gọi chính phủ các nước này huy động những nguồn lực lớn để dập dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi và có nguy cơ đe dọa toàn thế giới.

16 nước trên gồm Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hungary, Ireland, Israel, Italy, Pháp, Serbia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.

Trong bức thư ngỏ đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh, các tác giả cho biết dịch Ebola ở Tây Phi đã vượt khỏi vòng kiểm soát sau nhiều tháng cộng đồng quốc tế thờ ơ, không hành động để đối phó.

Hiện tại, virus Ebola không chỉ là mối đe dọa đối với những nước, nơi các ổ dịch đã làm tê liệt hệ thống y tế quốc gia, mà cả thế giới.

Các chuyên gia kêu gọi các chính phủ châu Âu huy động mọi nguồn lực như nhân viên y tế được đào tạo, phòng thí nghiệm lưu động, quần áo bảo hộ, chất tẩy trùng và các công cụ cơ bản như máy phát điện để gửi đến Tây Phi giúp khu vực này ứng phó dịch bệnh.

Họ đề nghị các chính phủ châu Âu thiết lập cơ chế cho phép chuyên gia tình nguyện làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tham gia (có bảo hiểm rủi ro) các nỗ lực kiểm soát dịch Ebola ở Tây Phi; kêu gọi các chính phủ châu Âu huy động phương tiện vận chuyển quân và dân sự trên biển, trên không và trên bộ để đưa thực phẩm, các nguồn tiếp tế và nhân viên đến những điểm dịch.

Các chuyên gia cảnh báo dịch Ebola đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và rất có thể biến thành một cuộc khủng hoảng địa-chính trị nếu không được kiểm soát kịp thời.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ cuối năm ngoái đến nay, Tây Phi đã ghi nhận hơn 6.200 trường hợp lây nhiễm virus Ebola, gần một nửa trong số này đã tử vong.

Người nhiễm virus thường có biểu hiện sốt cao, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu không dứt và có thể tử vong trong vài ngày. Khu vực này đang rất cần các thiết bị giám sát và chẩn đoán bệnh; công nghệ thông tin di động; nước sạch; nhiên liệu và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế như xà phòng, nước tẩy rửa, quần áo và mặt nạ.

Để đối phó dịch Ebola, WHO đã triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp trị giá khoảng 100 triệu USD với sự tham gia của vài trăm nhân viên y tế.

Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ 150 triệu euro (190 triệu USD); Mỹ đã chi 100 triệu USD cho các nỗ lực này; Ngân hàng Thế giới cam kết 200 triệu USD; Ngân hàng Phát triển Tây Phi hỗ trợ 60 triệu USD.

WHO, Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Phi đã cử vài trăm nhân viên y tế đến Tây Phi và cam kết tiếp tục đưa nhân viên đến khu vực này hỗ trợ dập dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục