Chuyên gia y tế Đức ủng hộ tiêm chủng bắt buộc vaccine COVID-19

Các chuyên gia thuộc Hội đồng Đạo đức của Đức ủng hộ việc tiêm phòng bắt buộc vaccine ngừa COVID-19 đối với tất cả người từ 18 tuổi trở lên.
Chuyên gia y tế Đức ủng hộ tiêm chủng bắt buộc vaccine COVID-19 ảnh 1Nhân viên kiểm tra chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 của khách hàng tại trung tâm thương mại ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/12, Hội đồng Đạo đức của Đức đã tuyên bố ủng hộ quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với tất cả người từ 18 tuổi trở lên.

Đến nay, Đức chỉ quy định tiêm bắt buộc đối với nhân viên y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang phải vật lộn với làn sóng dịch thứ tư, trong đó biến thể Omicron đang chiếm hầu hết số ca mắc mới, giới chức liên bang và các bang đã yêu cầu Hội đồng Đạo đức đưa ra đánh giá về việc tiêm chủng bắt buộc.

Hội đồng đạo đức, gồm nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau, được Tổng thống Đức bổ nhiệm nhằm cố vấn cho các nhà hoạch định chính sách và giúp công chúng nhận thức các vấn đề phức tạp và gây tranh cãi.

Có 13 trong số 24 thành viên hội đồng ủng hộ việc tiêm phòng bắt buộc đối với tất cả người trưởng thành đủ điều kiện tiêm tại Đức. Trong khi có 20 thành viên ủng hộ việc mở rộng nhóm tiêm bắt buộc ra tất cả những người dễ bị tổn thương, thay vì chỉ áp dụng với những người bị tổn thương đặc biệt, đang được chăm sóc. Tuy nhiên, hội đồng đã bác bỏ đề xuất này.

Theo hội đồng, tỷ lệ tiêm chủng cao là yếu tố là rất quan trọng để có thể chuyển sang trạng thái kiểm soát dịch. Hệ thống y tế của Đức đang quá tải ở nhiều nơi. Biến thể Omicron và nhiều biến thể sau này nữa đang khiến các chuyên gia phải liên tục thay đổi nhận định và dự báo về diễn biến tiếp theo của đại dịch.

Hội đồng Đạo đức nhấn mạnh tiêm chủng bắt buộc không thể phá vỡ ngay làn sóng dịch thứ tư trong thời gian ngắn. Tương tự, đây cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh của đại dịch, chỉ có thể được coi là một phần của chiến lược tổng thể chống đại dịch.

Hội đồng cho biết việc mở rộng tiêm chủng bắt buộc cũng phải được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp như thúc đẩy cơ sở hạ tầng trên toàn quốc tạo thuận lợi cho người đi tiêm, các dịch vụ tiêm phải được tiếp cận dễ dàng và đảm bảo đủ nguồn cung vaccine.

Ngoài việc bảo mật dữ liệu thông tin của người đăng ký tiêm, hội đồng cho biết việc tiêm chủng bắt buộc phải được thông tin bằng đa ngôn ngữ và dễ hiểu dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

[Quốc hội Đức thông qua một số sửa đổi luật bảo vệ chống lây nhiễm]

Cùng ngày, các chuyên gia y tế Đức nhận định các biện pháp phòng dịch mới có thể chưa đủ để kiểm soát Omicron. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế loại bỏ khả năng phong tỏa toàn diện.

Theo các biện pháp mới công bố, từ ngày 28/12 số người được tham gia các cuộc tụ tập riêng sẽ bị hạn chế, đóng cửa các câu lạc bộ và sàn nhảy và cấm khán giả vào sân xem các trận đấu bóng.

Phát biểu trên tổ hợp truyền thông Deutschlandfunk, chuyên gia y tế Janosch Dahmen, thuộc đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, cho biết đây là một bước đi đúng hướng, "song có thể chưa đủ để ngăn chặn mối nguy hiểm mà Omicron đặt ra."

Về phần mình, trả lời phỏng vấn của nhóm truyền thông Funke, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Đức, ông Gerald Gass cũng nhận định các biện pháp trên là "cần thiết nhưng có thể chưa đủ."

Trong khi đó, Viện Robert Koch (RKI) về các bệnh truyền nhiễm khuyến nghị ngay lập tức áp dụng "các biện pháp hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa" và "các biện pháp đề phòng lây nhiễm ở mức tối đa."

Đáp lại các nhận định và khuyến nghị trên, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho biết: "Những gì được quyết định hôm nay sẽ nhanh chóng có hiệu lực. Nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ có lúc phải cân nhắc áp dụng phong tỏa nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục