Chuyên gia WHO lý giải lý do chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Trong khi nguồn cung cấp vaccine COVID-19 còn hạn chế, WHO khuyến nghị ưu tiên hiện nay là tiêm vaccine cho người nguy cơ cao và trẻ em 12-15 tuổi có các bệnh nền dễ chuyển bệnh nặng hơn vì COVID-19.
Chuyên gia WHO lý giải lý do chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em ở khu vực có nguy cơ cao. (Ảnh minh hoạ: Công Thử/TTXVN)

Số lượng trẻ em nhiễm COVID-19 đang gia tăng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam khiến việc tiêm vaccine cho trẻ em đang trở thành vấn đề cấp bách. Trước những đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết hiện nay vaccine COVID-19 cho trẻ em vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị hội trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay 9/8.

Vì sao chưa có vaccine riêng cho trẻ em?

Trẻ em là nhóm cần được quan tâm đặc biệt vì lứa tuổi này vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, người lớn cả về mặt giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Bất kỳ biến cố bất lợi nào liên quan đến sức khỏe trong thời thơ ấu của trẻ đều có thể gây những tác động tiêu cực, nghiêm trọng trong suốt cuộc đời trẻ sau này.

Tiến sỹ Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO tại Việt Nam cho biết: “Các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay.”

Theo WHO, cho đến nay, các dữ liệu cho thấy trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 8,5% tổng số các trường hợp được báo cáo. Trẻ em có tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các nhóm tuổi khác và bệnh thường ở mức độ nhẹ. Trẻ em có nguy cơ thấp tiến triển thành bệnh nặng và các biến chứng do mắc COVID-19, đặc biệt ở nhóm trẻ em mắc các bệnh kèm theo, bệnh nền.

“COVID-19 nguy hiểm và nghiêm trọng hơn ở những người nhiều tuổi hơn. Do đó, vaccine COVID-19 đã được phát triển, thử nghiệm và được phép sử dụng khẩn cấp trước ở nhóm người lớn. Hiện giờ, vaccine cho trẻ em đang được tiếp tục nghiên cứu,” tiến sỹ Annie Chu cho hay.

Theo tiến sỹ Annie Chu, vaccine COVID-19 được thử nghiệm ở người lớn trước và chỉ được đánh giá sau đó ở trẻ em khi mà tính an toàn đã được chứng minh ở người lớn vì trẻ em vẫn đang ở trong quá trình tiếp tục lớn lên và phát triển.

Vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên

Chuyên gia của WHO cho biết thêm tháng Bảy vừa qua, nhóm Cố vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) đã kết luận vaccine Pfizer-BioNTech phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Chuyên gia WHO lý giải lý do chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ảnh 2Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, WHO khuyến nghị các quốc gia chỉ nên xem xét sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi sau khi đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao với 2 liều trong các nhóm ưu tiên cao như đã đề cập trong lộ trình ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 của WHO.

[Pfizer hy vọng có vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sớm nhất vào cuối Thu]

Trong khi nguồn cung cấp vaccine còn hạn chế, WHO khuyến nghị ưu tiên hiện nay là tiêm vaccine cho người nguy cơ cao vẫn chưa được tiêm chủng gồm: Người cao tuổi, những người có bệnh mạn tính kèm theo và các nhân viên y tế. Trẻ em 12-15 tuổi có các bệnh kèm theo khiến trẻ có nguy cơ chuyển bệnh nặng hơn và cùng với các nhóm nguy cơ cao khác có thể được tiêm vaccine.

“Hiện nay, chúng ta chưa có dữ liệu về hiệu quả hoặc độ an toàn của vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Do vậy, trẻ dưới 12 tuổi chưa nên được tiêm chủng cho đến khi có dữ liệu này,” tiến sỹ Annie Chu khuyến cáo.

Chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang tiếp tục được triển khai và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị khi có những bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học cần thiết, phù hợp để thay đổi chính sách.

Hầu hết trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng thấp và việc tiêm chủng cho trẻ em với mục đích là để giảm sự lây truyền. Do vậy, WHO khuyến nghị có thể giảm sự lây nhiễm bệnh thông qua các biện pháp y tế công cộng như: Giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc người khác; không tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần, ở nơi thông thoáng khí; đeo khẩu trang đúng cách; rửa tay thường xuyên; hắt hơi, ho vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó loại bỏ ngay khăn giấy và rửa tay lại./.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến 1/9, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0 và F1, trong đó có hơn 11.800 trẻ em là F0.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0 và F1 cao nhất cả nước, với số trẻ em là F0 đang điều trị là hơn 3.000 em tính đến hôm nay 9/8. Tại Hà Nội, khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục