Chuyên gia: Vũ khí Triều Tiên thách thức nhiệm vụ phòng thủ Hàn Quốc

Các chuyên gia cho rằng loại hệ thống pháo tên lửa của Triều Tiên được coi là một trong những vũ khí chiến thuật hiệu quả nhất để Triều Tiên tấn công Hàn Quốc.
Chuyên gia: Vũ khí Triều Tiên thách thức nhiệm vụ phòng thủ Hàn Quốc ảnh 1Vụ phóng thử hệ thống rocket đa nòng cỡ siêu lớn mới của Triều Tiên tại một địa điểm bí mật ngày 24/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Yonhap đưa tin các chuyên gia ngày 28/8 nhận định rằng "bệ phóng đa tên lửa siêu lớn mới" mà Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công hồi tuần trước đánh dấu bước phát triển quan trọng của hệ thống vũ khí chiến thuật và có thể thách thức khả năng phòng thủ tên lửa và chống pháo của Hàn Quốc.

Lần mới nhất trong một loạt vụ thử vũ khí trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã phóng từ cái mà Bình Nhưỡng gọi là "bệ phóng đa tên lửa siêu lớn mới được phát triển" ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này hôm 24/8 dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Kim đã lên tiếng ca ngợi hệ thống này là "vũ khí tuyệt vời."

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố rằng nước này đã "làm nên điều kỳ diệu" bằng cách phát triển "bệ phóng tên lửa siêu lớn mạnh nhất thế giới theo phong cách của mình."

[Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích cách hành xử của Triều Tiên]

Giáo sư Kim Dong-yup tại Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam cho biết: "Xét tới sự khác biệt về các tính năng bay của chúng, như tầm bắn, độ cao và tốc độ, rất có thể là bệ phóng 'siêu lớn' này có thể là phiên bản nâng cấp của hệ thống pháo hiện tại hoặc bệ phóng cỡ nòng lớn."

Ngoài ra, nhà phân tích cấp cao Shin Jong-woo tại Diễn đàn an ninh quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul, cho rằng: "Tên lửa được phóng hồi tuần trước có đường kính lớn hơn so với tên lửa được phóng trước đó và có thể là khoảng 500mm. Nếu được xác nhận, đó sẽ là một hệ thống tên lửa đa phóng (MLRS) chưa từng có trên thế giới, vốn có chút khác biệt so với các tên lửa hiện nay."

Các chuyên gia khác lại cho rằng loại hệ thống pháo tên lửa này được coi là một trong những vũ khí chiến thuật hiệu quả nhất để Triều Tiên tấn công Hàn Quốc theo điều kiện hoạt động của bán đảo Triều Tiên.

Cựu giáo sư Kwon Yong-soo tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng: "MLRS có thể rất hiệu quả đối với Triều Tiên vì hệ thống này có khả năng tạo ra nhiều vụ phóng pháo liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn, khiến tên lửa khó bị phát hiện và đánh chặn."

Ông Kwon cũng cho rằng Triều Tiên có thể thay thế các tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại tốc độ cao của mình bằng MLRS để có được một phương tiện tấn công rẻ hơn nhưng dễ quản lý hơn và mạnh như tên lửa."

Nếu được phóng từ khu vực gần biên giới liên Triều, các tên lửa từ bệ phóng này có thể vươn tới căn cứ không quân chủ chốt của Hàn Quốc ở Cheongju, khu phức hợp Gyeryongdae của quân đội Hàn Quốc gần thành phố Daejeon, nơi đặt các cơ sở quân sự quy mô lớn, và căn cứ Seongju ở Tỉnh Bắc Gyeongsang - nơi triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Trên trang 38 độ Bắc, ông Vann H. Van Diepen, cựu quan chức tình báo và từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, kết luận: "Nó sẽ đưa thêm ngày càng nhiều các mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ vào mục tiêu tấn tấn công..., tăng cơ hội của Triều Tiên trong việc lựa chọn giữa các hệ thống phóng đa tên lửa và tên lửa đạn đạo tầm ngắn 'thực sự' trong việc tấn công và làm phức tạp thêm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục