Những con số dự báo về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đều đạt được như kỳ vọng. Một bức tranh tươi sáng về nội tại nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn tín dụng quá nhiều và việc phát triển thị trường này vẫn còn những hạn chế nhất định.
Vậy diện mạo của thị trường vốn Việt Nam hiện nay ra sao? Làm thế nào để thị trường vốn Việt Nam có sức hấp dẫn hơn và trong năm 2018 sẽ có những cơ hội nào được nhận diện?
Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng.
-Thưa ông, có một thực tế lâu nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn tín dụng quá nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu các doanh nghiệp còn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn vốn tín dụng thì thị trường vốn Việt Nam vẫn chỉ đang đi những bước đi “khập khiễng.” Ông lý giải vấn đề này thế nào?
[Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế]
Ông Vũ Bằng: Trong thời gian vừa qua, tỉ trọng vốn hóa của thị trường Việt Nam vẫn chưa cao. Trong khi đó, tỷ trọng vốn tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức gấp hai lần so với thị trường vốn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các kênh dẫn vốn của thị trường chứng khoán đang dần dần khẳng định vị thế của nó trong nền kinh tế. Trong vòng 5 năm vừa qua, thị trường vốn đã huy động vào khoảng 1,4 triệu tỉ đồng trái phiếu và cổ phiếu. Tuy nhiên, có thể thấy rất rõ là việc huy động vốn cổ phần của các doanh nghiệp trên thị trường vốn vẫn còn hạn chế dù quy mô vốn hóa của thị trường đã đạt trên 70% GDP. Trong những năm vừa qua, mỗi năm bình quân huy động cổ phiếu của doanh nghiệp cũng chỉ từ khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng. Tại sao mức độ vẫn còn thấp như vậy, điều này xuất phát từ nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là trong những năm trước đây do tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu thì kinh tế Việt Nam, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có nhiều khó khăn. Đầu ra của nền kinh tế, đầu ra của các doanh nghiệp cũng có những khó khăn. Do đó, nhu cầu phát hành và khả năng thành công trong việc phát hành cũng có những điểm hạn chế.
Lý do thứ hai xuất phát từ doanh nghiệp Việt Nam. Từ nhiều năm, doanh nghiệp Việt Nam có thói quen sử dụng vốn tín dụng hơn là vốn cổ phần. Thói quen đó xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước, trông chờ vào sự hỗ trợ vốn của nhà nước, của các ngân hàng nhà nước.
-Trên thực tế, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong thời gian qua được đánh giá là tốt, những vẫn có những lo ngại về sự tăng trưởng nóng và dòng tiền. Vấn đề này cần được hiểu thế nào thưa ông?
Ông Vũ Bằng: Sự khởi sắc vừa qua của thị trường chứng khoán về cơ bản dựa trên yếu tố nền tảng của nền kinh tế.
Đầu tiên phải kể đến sự hồi phục của thị trường chứng khoán cũng như kinh tế thế giới. Tiếp đó là sự khởi sắc rất tích cực của kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Việc cổ phần hóa, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng rất mạnh mẽ đã đóng góp cho sự tăng trưởng của thị trường .Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng khá tốt từ vốn chủ sở hữu cho đến doanh thu, lợi nhuận đều có mức tăng trưởng rất tích cực.
Cuối cùng là quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán 10 năm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và thành viên thị trường đã tạo ra cấu trúc thị trường tốt hơn với sự hình thành của thị trường phái sinh, sự hoàn thiện của thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và chuẩn bị xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho cấu trúc thị trường tốt hơn và quy mô thị trường lớn hơn.
Việc quy mô thị trường lớn thì dòng vốn vào đầu tư cũng thuận lợi hơn. Đó là những yếu tố rất nền tảng cho sự tăng trưởng vừa qua của thị trường chứng khoán.
-Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam thời gian qua?
Ông Vũ Bằng: Đây là hai mảng vấn đề có quan hệ rất chặt chẽ. Với việc hồi phục của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu cũng được hồi phục tăng lên. Từ đó, việc xử lý nợ cũng thuận lợi và dễ dàng hơn đối với các ngân hàng. Mặt khác, việc xử lý nợ của các ngân hàng cũng có một vai trò rất quan trọng với thị trường.
Tốc độ xử lý nợ trong năm 2017 vừa qua là khá tốt. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng từ mức 10,08% giảm xuống còn 7,9%. Điều này đã có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của ngân hàng, tác động tích cực đến chất lượng tài sản của ngân hàng và từ đó tác động đến chất lượng tín dụng của ngân hàng cho tăng trưởng, cũng như tác động tích cực đến thị trường vốn.
Nhiều cổ phiếu của ngân hàng, qua quá trình tái cấu trúc, qua quá trình xử lý nợ xấu đã tốt lên và có đóng góp rất tốt cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
-Thưa ông, niềm tin và sức hấp dẫn là những yếu tố rất quan trọng để có thể thu hút được nguồn vốn ngoại. Vậy ông nhìn thấy cơ hội nào để thu hút và giữ được dòng vốn ngoại trong năm 2018?
Ông Vũ Bằng: Trong năm 2017, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường khá mạnh. Tổng danh mục đầu tư và dòng vốn vào thuần của nước ngoài đã đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2016 và cũng đóng góp cho sự tăng trưởng của thị trường. Tất nhiên, đây là dòng vốn đầu tư gián tiếp nên tốc độ vào, tốc độ ra, độ linh hoạt của dòng vốn khá cao.
Khi độ mở của nền kinh tế chúng ta đang rất rộng, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay đã lên đến 36 tỷ-37 tỷ USD thì việc dịch chuyển dòng vốn nước ngoài sẽ có những tác động nhất định đến thị trường vốn và đến khả năng bền vững của hệ thống tài chính.
Do đó, cần những giải pháp để duy trì dòng vốn ngoại lâu dài hơn. Điều cơ bản nhất vẫn là kinh tế nền tảng, kinh tế vĩ mô. Phải ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, mặt bằng lãi suất. Vì giá trị đồng tiền có tác động rất lớn đến tính toán và suy nghĩ của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc củng cố kinh tế vĩ mô tốt như năm 2017 và tốt hơn trong năm 2018 thì dòng vốn nước ngoài vào sẽ ổn định và từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng và ổn định của thị trường.
-Ông có thể đưa ra đánh giá cũng như nhận định về triển vọng và cơ hội của thị trường vốn Việt Nam trong năm 2018?
Ông Vũ Bằng: Đầu tháng 2/2018 có nhiều yếu tố tác động không tích cực đến thị trường, như kinh tế Mỹ hồi phục, có khả năng tăng lãi suất Mỹ, sự sụt giảm của thị trường Mỹ, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Bên cạnh đó là vấn đề về bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại cũng đâu đó có tác động đến tính bền vững của dòng vốn và thị trường vốn. Tuy nhiên, thị trường vốn của Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng trong năm 2018.
[Tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm]
Kinh tế vĩ mô của chúng ta năm nay khá là tốt cả về tốc độ tăng trưởng, xuất nhập khẩu, duy trì dòng vốn cho đến nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn gia tăng.
Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được Chính phủ rất quan tâm và có những giải pháp chất lượng.
Việc mặt bằng lãi suất vẫn có xu hướng giảm, lãi suất cho vay giảm được ở mức 0,5%, tác động rất tốt đến dòng vốn và thị trường chứng khoán.
Việc xử lý nợ, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được thực hiện rất quyết liệt cho những tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, việc vẫn đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa đã tạo sự hấp dẫn cho thị trường vốn, dòng vốn vẫn được duy trì.... Vì vậy tôi vẫn thấy có niềm tin cho thị trường vốn trong năm nay./.