Hơn 40 năm (1948-1991) tham gia phục vụ cách mạng Lào, nay ở tuổi gần 90, cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp vẫn không khỏi bùi ngùi khi nhắc tới những kỷ niệm thời còn hoạt động trên đất bạn,
Với ông, kỷ niệm về chuyến đi bão táp vì bị nghi là gián điệp và ơn cứu mạng của một phụ nữ Lào làm ông xúc động hơn tất cả. “Nếu không có người phụ nữ Lào ấy, tôi đã không còn được ngồi đây với các bạn để kể lại những năm tháng thấm đẫm tình nghĩa Việt-Lào đó,” giọng ông Nghiệp trùng xuống khi nhớ về ký ức năm xưa.
Ông hồi tưởng: “ Sau 6 năm sang chiến trường Hạ Lào, kể cả lúc được tin mẹ tôi qua đời, tôi chưa có dịp về thăm nhà. Sau Hiêp định Geneva 1954, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, nhưng theo yêu cầu của bạn Lào, đơn vị quyết định cử tôi ở lại làm chuyên gia giúp Tỉnh ủy bí mật tỉnh Champasak (Hạ Lào) thuộc vùng kiểm soát của đối phương.
Một hôm, sau khi đi dự hội nghị từ cơ quan khu ủy từ tỉnh Saravan, tôi theo đường dây liên lạc bí mật trở về Champasak. Thông thường, cán bộ ta và bạn đi lại hoạt động đều do các đường dây của cơ sở bí mật dẫn đường, chuyển tiếp qua từng bản đã bố trí trước.
Trên đường về đến Tàmêxẳngthoong, tôi gặp Phò Vạ, Ủy viên Mặt trận tỉnh Champasak đang trên đường trở về quân khu. Vì sợ tôi đi theo đường dây chuyển qua từng bản sẽ không về đến cơ quan huyện bí mật Pắksong trước lúc trời tối nên Phò Vạ cho anh liên lạc đi cùng quay lại dẫn tôi đi thẳng về Pạcxoòng, không chờ liên lạc các bản. Còn Phò Vạ thì nghỉ lại cơ quan huyện ủy Lào Ngam, sáng mai mới về cơ quan khu.
Độ 5 giờ chiều, hai chúng tôi đến bản Phà-Nuỗn Nhày, anh liên lạc bàn giao tôi cho một cụ già cơ sở đang giữ nương để nhờ cụ đưa tôi đi gặp Huyện ủy PạcXoòng, còn anh thì vội vã quay lại Phò Vạ.
Tôi ngồi trong rừng ven nương chờ đi gặp Huyện ủy và đồng chí Tấn, chuyên gia ta đang giúp huyện ủy ở đây. Không ngờ hôm đó, các đồng chí đều đi công tác cơ sở không có ở cơ quan, cụ già phải báo cho cơ sở làng Phà-Nuỗn Nhày ra đón tôi. Ông bị điếc nên không nghe rõ lời giới thiệu của anh liên lạc về tôi, nhưng biết tôi là người của bên ta nên ông cứ nhận.
Khoảng 6 giờ rưỡi chiều, anh em cơ sở bản Phà-Nuỗn Nhày ra gặp tôi. Vì chưa biết tôi, lại không có sự giới thiệu rõ ràng và tôi lại đến đây không bằng con đường liên lạc bản chuyền bản nên họ nghi ngờ tôi là người của địch giả danh chuyên gia Việt Nam đến lừa dân làng.
Nghi ngờ là vậy nên khi gặp tôi họ hỏi tôi từ đâu đến, để làm gì? Tôi tự giới thiệu mình là chuyên gia giúp tỉnh ủy Champasak đi họp ở khu về, đi ngang qua đây muốn được gặp các đồng chí huyện ủy và đồng chí Tấn. Mọi người đều trả lời: “ Quân đội Việt Minh và Pathet Lào đã rút đi hết, ở đây không còn ai cả. Đây là vùng kiểm soát của chính quyền Vương quốc. Chúng tao là dân của Vương quốc - mày là Việt Minh chúng tao sẽ bắt mày nộp lên đồn cho quan lớn.” Mặc cho tôi giải thích thế nào họ cũng không nghe, mà tôi thì chẳng có một bằng chứng gì để họ tin mình.
[Đại tá Trần Văn Dần: Miền ký ức không thể nào quên về đất bạn Lào]
Dân làng mỗi lúc kéo ra một đông hơn. Họ bàn tán sôi nổi, nhưng đều bằng tiếng bộ tộc La-vên nên tôi chẳng hiều gì. Đã 8 giờ tối mà chằng thấy cơm nước gì, bụng tôi đói cồn cào vì từ sáng sớm mới ăn một nắm xôi của đồng chí cấp dưỡng cơ quan khu gói cho.
Càng về sau dân làng càng tranh luận gay gắt, kéo dài quanh đống lửa. Thỉnh thoảng, họ lại liếc mắt nhìn tôi như dò hỏi, phỏng đoán. Cuối cùng, tôi nhớ ra vùng này còn có chị Bua Cômmađăm, vợ ông Xithôn Cômmađăm, nguyên khu trưởng Hạ Lào. Chị Bua vốn quen thân với tôi lúc tôi hoạt động ở căn cứ tây nam Attapeu năm 1950.
Chị Bua không đi tập kết mà ở lại bám trụ hoạt động tại cao nguyên Boleven, quê hương chị. Vì vậy, tôi đề nghị bà con cho tôi được gặp chị Bua.
Nghe nói đến chị Bua, mọi người nhìn tôi, họ trao đổi gì đó, rồi trả lời tôi là: “Xảo Bua đã đi tập kết theo Xỉ Thôn lên Sầm Nưa rồi, không có ở đây. Chúng ta không còn quan hệ gì với nó nữa đâu.”
Nghe họ trả lời như vậy, tôi hoàn toàn thất vọng, chẳng biết xoay xở ra sao, chỉ biết chờ quyết định cuối cùng của dân làng. Liền sau đó, tôi thấy họ cho thanh niên khuân nhiều củi chất thành một đống trước mặt tôi rồi đốt cháy thật to, sáng cả một góc nương.
Đêm đông ở độ cao trên 1.000 mét của cao nguyên Boleven mà người tôi nóng toát mồ hôi. Tôi chưa hiểu dân làng sẽ xử lý như thế nào với tôi đây. Bỗng từ trong đám đông của dân làng, một chị phụ nữ chạy vội lên ôm chầm lấy tôi rồi kêu to: “Ôi Khăm Xỉ (tên Lào của tôi do một một bà mẹ nuôi ở bản Hĩnh Lạ đặt cho tôi lúc tôi mới đến Lào), em tôi! Cục vàng của tôi đây bà con ơi. Tí nữa thì nó đã bị chết oan rồi! May quá, may quá Khăm Xỉ ơi!”
Tôi bàng hoàng như tỉnh cơn mê khi nhận ra chị Bua. Tôi cũng ôm chầm lấy đôi vai gầy của chị đang rung lên. Chị khóc vì mừng vui, cảm động. Tất cả dân làng ùa đến vây quanh hai chúng tôi, vỗ tay, cười nói hân hoan. Đúng là người của ta rồi! Thật là may!
Một già làng vừa giục chị em phụ nữ chuẩn bị cơm cho tôi ăn, vừa bước đến nắm lấy hai vai tôi lắc lắc và nói với một giọng cảm động: “Mau cho con mà cũng may cho bà con dân làng. Bố thay mặt dân làng xin lỗi con vì đã không tin cái bụng của con. Đó cũng là vì người của bộ tộc La-vên này luôn căm thù và luôn cảnh giác vì thằng giặc có lắm mưu mô.”
Già kéo tôi ngồi xuống trên một khúc củi và nói tiếp: “Sở dĩ dân làng không tin lời con còn vì một lẽ cách đây hơn 1 tháng, bọn địch cho một điệp viên người Việt giả danh bộ đội Việt Nam vì bị ốm không theo đơn vị rút quân, đến nhờ dân một bản nọ cho gặp cán bộ huyện để được giúp đỡ. Bà con vốn yêu thương bộ đội Việt Nam nên đã bị mắc lừa, vừa mang cơm cho hắn ăn thì lính địch ập vào vây bắt tất cả những bà con có mặt để đưa lên đồn tra khảo.
Vì cho rằng con là người của đối phương nên dân làng định bắt con đưa lên đồn để cho địch tin rằng bà con vẫn trung thành với chúng, nhưng nhiều người lại quyết định giết con đi rồi phi tang để bớt đi một tên tay sai của địch. Hôm nay nếu không có Xảo Bua nhận ra con, giết nhầm người bên ta thì không biết nỗi ân hận của bà con dân làng sâu sắc đến bao nhiêu.”
Nghe già làng kể, tôi rất mừng vì đã gặp may. Tôi cảm ơn chị Bua và dân làng, nhất là tinh thần yêu nước, cảnh giác của bà con.
Sau ngày đất nước Lào được giải phóng, có mấy lần tôi đến tỉnh Champasak cố tìm hỏi chị Bua nhưng chị đã chuyển lên vùng Thồng Vải.
Khi tôi tìm được chị, sau 43 năm, chị đã là bà già trên 80 tuổi. Gặp tôi, chị nức nở vì xúc động, tôi cũng không cầm được nước mắt.
Suốt hơn 40 năm phục vụ cách mạng Lào, biết bao kỷ niệm đẹp về quan hệ đoàn kết Lào-Việt nhưng ơn cứu mạng và hình ảnh của chị Bua là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi. “Lào như là quê hương thứ hai của tôi vậy” - cựu quân tình nguyện Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp chia sẻ./.