Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trong mùa Hè và những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Mỹ trong quý 3/2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thế giới trong quý cuối cùng của năm.
Tăng trưởng giảm tốc
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/10 cho thấy trong quý 3/2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ đạt 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 6,7% ghi nhận trong quý trước đó và là mức thấp nhất kể từ quý 2/2020.
Trong quý trước, sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19 đã "bóp nghẹt" chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Thống kê cho thấy chi tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, chỉ tăng 1,6% sau khi tăng tới 12% trong quý 2/2021.
Mike Fratantoni, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ, cho rằng chi tiêu giảm không phải do thiếu cầu.
Theo ông, người tiêu dùng sẵn sàng và có khả năng chi tiêu, nhưng hàng hóa không có sẵn.
Bộ Thương mại Mỹ còn cho biết tác động đáng chú ý gần nhất của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất là sự sụt giảm hơn 26% của các giao dịch mua sắm hàng hóa lâu bền trong quý trước.
[Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao thứ 2 trong lịch sử]
Số liệu đáng thất vọng trên là tin buồn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và được đưa ra ngay trước khi ông công bố gói chi tiêu xã hội trị giá 1.750 tỷ USD.
Ông Biden đánh giá đây là gói chi tiêu mang tính lịch sử và sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21 trước các cường quốc khác.
Tuy nhiên, Kevin Brady, một nhà lập pháp của đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, cảnh báo rằng kế hoạch chi tiêu mới sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn và kéo dài hơn.
Trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, một thước đo lạm phát, ở mức cao 5,3% so với 6,5% trong ba tháng trước đó.
Dự kiến, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi các “nút thắt cổ chai” do đại dịch COVID-19 gây ra được giải quyết trên toàn thế giới, có thể là vào khoảng năm 2022.
Nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Robin Brooks, cảnh báo rằng nền kinh tế đang phát triển quá nóng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đánh giá thấp vấn đề lạm phát.
Ông Brooks lưu ý tình trạng tắc nghẽn nguồn cung được thúc đẩy nhờ nhu cầu mạnh mẽ hơn là tình trạng ngừng sản xuất. Do đó, vấn đề trong chuỗi cung ứng không phải là vấn đề nhất thời.
Báo cáo tăng trưởng yếu cũng phản ánh số tiền cứu trợ từ chính phủ cho các doanh nghiệp, chính quyền bang và địa phương cũng như các hộ gia đình đang giảm dần.
Bão Ida, tàn phá hoạt động sản xuất năng lượng ngoài khơi của Mỹ vào cuối tháng Tám, cũng đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Mỹ ước tính rằng bão Ida gây thiệt hại khoảng 62 tỷ USD.
… triển vọng vẫn sáng
Bất chấp những vấn đề trên, các nhà kinh tế vẫn tin tưởng rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc vào cuối năm 2021.
Chuyên gia Ian Shepherdson của tổ chức nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics (Mỹ) nhấn mạnh mặc dù sự giảm tốc của tiêu dùng tác động mạnh đến đà tăng trưởng trong quý 3/2021, song tình hình quý 4 sẽ rất khác với chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ tăng trở lại khi dịch COVID-19 dịu bớt.
Các chuyên gia cho rằng có những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế đang lấy lại động lực khi số ca mắc COVID-19 giảm và số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng vào tuần trước.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đã giảm đáng kể và chương trình tiêm chủng đã giúp hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng trở lại trong tháng này và các đơn đặt hàng đối với tư liệu sản xuất đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Chín.
Một báo cáo riêng từ Bộ Lao động Mỹ hôm 28/10 cho thấy các số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 10.000 xuống mức 281.000, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, ghi dấu tuần thứ ba liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp dưới ngưỡng 300.000.
Tăng trưởng chậm lại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch mua tài sản của Fed bắt đầu vào đầu tháng tới.
Trong một đánh giá gần đây, ba nhà hoạch định chính sách của Fed nhận định kinh tế Mỹ đủ mạnh để ngân hàng này bắt đầu thu hẹp chương trình kích thích kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Viện Tài chính Quốc tế, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida, cho rằng kinh tế Mỹ đã mạnh lên và các điều kiện trên thị trường lao động tiếp tục cải thiện, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta Raphael Bostic và Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis James Bullard cũng tán thành kịch bản bắt đầu thu hẹp gói kích thích vào tháng 11/2021.
Ông Bullard kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ gia tăng trong quý 4/2021 và quý 1/2022, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% và về mức trước đại dịch vào mùa Xuân.
Ông Bostic đánh giá rằng khả năng thanh khoản trên thị trường tài chính đã có cải thiện và giúp giảm thiểu rủi ro về khả năng việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu sẽ có ảnh hưởng xấu đến thị trường hoặc nền kinh tế. Ông Bostic nhấn mạnh kinh tế Mỹ đang có nhiều lực đẩy cho tăng trưởng./.