Theo Đài RFI, với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông mà nước này đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng Đông Nam Á, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở Biển Đông bị tàn phá nặng nề.
Trong bài viết có tiêu đề "Đổ xô đánh bắt 'ngà voi' của Biển Đông," nhật báo Le Monde cho biết trai tượng khổng lồ sống dưới đáy biển, có thể dài tới hơn 1m và nặng tới 200kg.
Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là "vàng trắng," hay "ngà voi biển."
Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, tượng cá hay cả một đàn ngựa. Những tác phẩm nghệ thuật này được bán với giá vài nghìn euro cho du khách nước ngoài, hoặc cho khách hàng Trung Quốc giàu có. Hiện nay, tại Trung Quốc có tới vài trăm trang Internet bán đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng làm từ vỏ trai tượng.
Tuy nhiên, Le Monde cho biết, hậu quả của việc tận diệt loài nhuyễn thể quý hiếm ở các đảo san hô và quần đảo Trường Sa là các rạn san hô bị tàn phá nghiệm trọng.
Trong phán quyết ngày 12/7 về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) đã chỉ rõ Trung Quốc đã có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái Biển Đông, đặc biệt là các rạn san hô do các hoạt động đánh bắt trai tượng, san hô trái phép.
Trong một bức thư gửi Tòa Trọng tài, ông John McManus, chuyên gia sinh vật biển thuộc Đại học Miami, cho biết quy mô tàn phá hệ sinh thái Biển Đông đã vượt quá những gì ông đã từng chứng kiến trong suốt hơn 4 thập kỷ nghiên cứu. Hoạt động đánh bắt, tận diệt trai tượng khổng lồ đã diễn ra trên toàn quần đảo Trường Sa.
Giáo sư McManus cho biết ngư dân Trung Quốc đã thả chân vịt cỡ lớn xuống rặng san hô rồi cho thuyền đi vòng xung quanh. Các chân vịt này nghiền nát rặng san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới rặng san hô.
69 km2 san hô trên quần đảo Trường Sa đã bị phá hủy bởi phương pháp tận diệt này. Trong khi đây là một trong những rạn san hô có sự đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, với hơn 400 loài san hô.
Nhưng ẩn sau câu chuyện về sinh thái còn là câu chuyện về địa chính trị. Việc săn bắt trai tượng không phải là một hoạt động mới của ngư dân Trung Quốc mà đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Nhưng nó chỉ chính thức bùng nổ vào năm 2012, khi Bắc Kinh tăng cường hoạt động trên quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Vào thời điểm đó, ngư dân Trung Quốc đã được cho phép, thậm chí là được chính quyền khuyến khích tăng cường đánh bắt trai tượng với danh nghĩa là để "bảo vệ chủ quyền quốc gia." Nhiều ngư dân cho biết họ đã kiếm được cả một gia tài nhờ đánh bắt trai tượng.
Sau 4 năm ngang ngược cho phép ngư dân tận diệt trai tượng, vào năm 2015, Trung Quốc ra quy định mới. Theo đó, hoạt động đánh bắt và buôn bán trai tượng có giá trị trên 500.000 nhân dân tệ (69.000 euro) bị coi là phạm tội./.