Một thập kỷ kể từ khi khu di sản Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO vinh danh, công tác bảo tồn giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội đang được triển khai đồng bộ, bài bản với sự hỗ trợ của Hội đồng tư vấn quy tụ nhiều giáo sư đầu ngành.
Đặc biệt hơn, công tác khảo cổ, nghiên cứu di sản tại đây có sự tham gia của nhiều giáo sư, chuyên gia từ Nhật và Pháp trên cơ sở tham khảo công tác quản lý, nghiên cứu các di sản trong lòng đô thị trên thế giới.
Những thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ chức ngày 23/11.
Một thập kỷ phát lộ di sản
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
[Kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới]
Tiến sỹ Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, cho biết bên cạnh những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như di tích Cột Cờ, Đoan Môn, thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang bảo tồn tại chỗ. Các di tích ở các lớp văn hoá khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại của các di tích.
“Bảo tồn di sản văn hóa, một di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long mà bao thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và được giữ gìn trong lòng đất hàng ngàn năm là công việc mà chúng ta cần có những hướng đi đúng, cần có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững, phát huy giá trị di sản và chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp,” ông Trần Việt Anh cho biết.
Ông Quý thì cho rằng sự kiện sẽ nhằm góp phần nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trên nhiều phương diện như quy hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị…
“Sự kiện cũng là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm từ quốc tế, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị nhiều mặt của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở tầm vóc của Di sản Thế giới,” ông Quý nói.
Tăng cường giáo dục, kết nối 'điểm đến'
Theo các chuyên gia, để Hoàng thành Thăng Long phát huy hơn nữa giá trị của mình, các cơ quan liên quan phải tăng cường giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến khu di sản. Đó là việc cần tổ chức các chương trình giáo dục nhằm đưa di sản đến với trường học, với thế hệ trẻ…
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác Quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, cho biết Paris và Hà Nội đã có lịch sử hơn 30 năm hợp tác về mọi mặt như văn hóa, kinh tế, quản lý đô thị. Tại hội thảo, ông chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản tại thành phố Provins, nổi tiếng với những pháo đài thời Trung cổ.
“Chúng ta nên nhìn nhận việc quản lý và phát huy di sản dưới góc độ du lịch, nhất là với Hoàng thành Thăng Long, bởi nơi này có sự kết nối với các địa điểm lân cận thu hút khách tham quan như Bảo tàng Mỹ thuật, Văn Miếu-Quốc Tử Giám,” ông cho biết.
“Các chuyên gia Việt Nam rất giỏi trong công tác nghiên cứu kiến trúc cung đình và nghệ thuật truyền thống. Trong khi đó, chúng tôi có chuyên môn về di sản châu Âu. Do đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các bạn bảo tồn di sản kiến trúc trong bối cảnh đô thị hóa, cụ thể là làm thế nào để tái cấu trúc một tòa nhà, chuyển đổi chức năng sử dụng một khu vực trong di tích, làm sao để một không gian đương đại có thể hài hòa trong một di tích lịch sử hoặc một kiến trúc truyền thống,” ông Cerise nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh rằng để có thể hiểu hơn về giá trị của Hoàng thành và làm nổi bật khu di sản này trong bản đồ du lịch của khách quốc tế thì Việt Nam cần hình thành một mạng lưới di sản, kết nối chặt chẽ với các di sản UNESCO khác.
“Hoàng thành là một phần của lịch sử Thủ đô, nhưng những kiến thức về thời phong kiến, thời kỳ thực dân hay thời kỳ kháng chiến không chỉ nằm ở đây mà còn rải rác ở nhiều di tích khác tại Hà Nội. Do đó, tôi nghĩ rằng cần kết nối các di tích lịch sử trong thành phố, kể một câu chuyện hoàn chỉnh, đó là yếu tố hấp dẫn nhiều du khách hơn đến với Hoàng thành,” ông nói.
Tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đề xuất đưa các mặt hàng thủ công truyền thống vào sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách tại Hoàng thành Thăng Long, bởi đất kinh kỳ vốn nổi tiếng là đất trăm nghề, nơi nhiều người thợ lành nghề khắp cả nước tụ hội từ nhiều thế kỷ trước.
“Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm nổi tiếng như nón làng Chuông, gốm sứ Bát Tràng, lược sừng Thụy Ứng, chuồn chuồn tre Thạch Xá, lụa Vạn Phúc… Tôi cho rằng đây là những đồ lưu niệm dễ dàng thu hút du khách, tôn vinh sự tài hoa của người thợ và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam,” bà Hương cho biết.
“Một số sản phẩm có thể đưa vào hoạt động trải nghiệm tại khu di sản, chẳng hạn như du khách có thể tự tay vẽ chuồn chuồn tre và mang sản phẩm đó về như một hình thức lưu giữ kỷ niệm của chuyến tham quan,” bà Hương nói thêm.../.